Vốn cho doanh nghiệp phục hồi: Cần triển khai nhanh chóng hơn

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nền kinh tế cần khoảng 800.000 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế một cách nhanh chóng trong hai năm 2022-2023.
Vốn cho doanh nghiệp phục hồi: Cần triển khai nhanh chóng hơn ảnh 1Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các doanh nghiệp cũng đang từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực; trong đó có chính sách giảm lãi suất. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn nhiều bất cập.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu.

- Thưa ông, nền kinh tế đã dần trở lại bình thường. Ông đánh giá thế nào về nhu cầu vốn của doanh nghiệp cho phục hồi sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay?

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Từ đầu năm đến nay, chúng ta đi vào một giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Các doanh nghiệp dù không bằng với trước kia nhưng cũng dần dần trở lại sản xuất, kinh doanh.

Chính vì thế, nhu cầu tín dụng tăng cao trong 5 tháng đầu năm nay và tôi tin từ nay đến cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ lại càng tăng cao hơn nữa.

Chúng ta đi qua giai đoạn phục hồi nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn rất khó khăn.

Trước tiên, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do nhiều nguyên nhân như căng thẳng giữa Nga-Ukraine kéo theo nhiều lệnh cấm vận từ phương Tây đối với Nga, tác động mạnh đến lĩnh vực năng lượng, khí đốt; tình hình kiểm soát COVID-19 tại Trung Quốc…

Trong khi đó, Việt Nam là nước có xuất nhập khẩu hai chiều lên đến hơn 1,5 lần GDP nên chuỗi cung ứng đứt gãy tác động mạnh lên lĩnh vực xuất nhập khẩu nước ta với chi phí bị đội lên cũng nhiều.

Thêm nữa, tình hình giá cả tăng cao cũng là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất trong nước đang phải đối mặt. Do đó, nhu cầu vay vốn các doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng.

- Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ông kỳ vọng ra sao về chương trình hỗ trợ trên?

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta có gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp phục hồi. Nhưng theo tôi như vậy là chưa đủ, nền kinh tế cần khoảng 800.000 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế một cách nhanh chóng trong hai năm 2022-2023.

[Đi tìm giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ hậu COVID-19]

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ nhất là chương trình hỗ trợ lãi suất cần được triển khai nhanh chóng hơn. Bởi có rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật để “sống,” chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy hoạt động.

Vì thế, các cơ quan liên quan, chính quyền từ Trung ương tới địa phương khi tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ duyệt xét, thiếu sót hồ sơ đến đâu yêu cầu bổ sung ngay tới đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, tránh lỡ nhịp kinh doanh, sản xuất.

Vốn cho doanh nghiệp phục hồi: Cần triển khai nhanh chóng hơn ảnh 2Người lao động làm việc tại Công ty May Bắc Giang (LGG). (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, việc đảm bảo sự minh bạch khi phân phối ngân sách của Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ cũng là yếu tố cần đặc biệt lưu tâm, kiểm soát.

- Có một thực tế là ngay cả khi lãi suất cho vay ở mức rất ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này. Theo ông, cần giải pháp nào cho thực trạng trên?

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Về phía doanh nghiệp, để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tiên phải có kế hoạch, phương án hoạt động, kinh doanh hiệu quả, phương án sử dụng vốn vay minh bạch để Chính phủ có thể duyệt xét một cách nhanh chóng.

Về phía ngân hàng, tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước có thể phân bổ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đến tất cả các ngân hàng thương mại tùy theo quy mô, khả năng của từng ngân hàng chứ không chỉ gói gọn tại một số ngân hàng lớn có vốn Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước khi đó nên có những quy định chung về việc hỗ trợ lãi suất để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại thực hiện và báo cáo.

- Bên cạnh những giải pháp đang triển khai, theo ông, cần làm gì để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong thời điểm này?

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu: Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Chính phủ, vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp còn có thể huy động nguồn vốn từ chứng khoán, gồm phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nhưng tại thời điểm này, vốn ngân hàng là có lẽ là phương án khả thi và dồi dào nhất. Lý do bởi nguồn ngân sách đang rất hạn hẹp, còn phát hành cổ phiếu đòi hỏi doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính tốt, có khả năng để phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán, phải tuân thủ một số quy định về luật chứng khoán; còn thị trường trái phiếu hiện cũng đang gặp khó sau loạt vụ lùm xùm xảy ra thời gian gần đây.

Là nguồn tài trợ chủ yếu cho các doanh nghiệp, tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chương trình làm việc với các ngân hàng trong việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp phù hợp với từng hoàn cảnh.

Ở đây, tôi không đề nghị ngân hàng cho vay dưới chuẩn, mà ngược lại vẫn phải đảm bảo các quy định về an toàn vốn, quản lý rủi ro nghiêm ngặt. Nhưng với những doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng được các tiêu chí cho vay của ngân hàng thì cần một quy chế riêng, có thể là các quỹ bảo lãnh tín dụng để mà các quỹ đó bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng.

Hiện tại, chúng ta đã có quy định về các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng các quỹ này vẫn rất nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Tôi mong rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xem xét thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi vay vốn. Từ đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp yếu kém có thể vay được mà không bắt buộc phải hạ chuẩn tín dụng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Bài 3: Vẫn vướng cơ chế)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục