Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang là công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,6% năm 2015 xuống 5,8% cuối năm 2020, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 102/147. Trong số đó, 100% xã của huyện Đơn Dương và 5 xã của huyện nghèo 30a Đam Rông về đích trước thời gian chương trình nông thôn mới.
Quyết tâm giúp dân vượt khó
Thực tế 19 năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng tuy phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách như địa bàn hoạt động phức tạp với vùng núi cao rộng lớn có nhiều buôn làng khó khăn và đông hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống cùng những khắc nghiệt về thiên tai, lũ lụt thường xuyên, gần đây là dịch bệnh COVID-19 bùng phát lan rộng.
[Nông dân trồng hoa và rau ở Lâm Đồng gặp khó trong tiêu thụ]
Nhưng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, hội, đoàn thể, những người làm tín dụng chính sách trên vùng đất Nam Tây Nguyên đã tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, huy động các nguồn vốn từ Trung ương, chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách đại phương để chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến 31/10, Ủy ban Nhân dân các cấp ở Lâm Đồng đã chuyển 270 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng 74 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 156% kế hoạch, góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt gần 4.200 tỷ đồng.
Dòng chảy vốn tín dụng chính sách luôn được khơi thông, phủ kín toàn địa bàn cao nguyên Lâm Đồng rộng lớn, suốt chặng đường 19 năm qua. Đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, dù gặp phải đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng với quyết tâm vừa huy động vốn nhanh, vừa phòng, chống dịch tốt, doanh số cho vay vẫn đạt 1.027 tỷ đồng với 25.931 lượt khách hàng vay vốn, với mức cho vay bình quân 54,6 triệu đồng/hộ. Toàn bộ nguồn vốn lớn đó đã đươc đưa về tận tay các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, thông qua hệ thống 142 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và mạng lưới 2.443 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp buôn làng, khu dân cư.
Cùng với đó, việc phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần thực hiện tốt việc bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện cho vay vốn chính sách đối với người sử dụng lao dộng, trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất, hoặc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Niềm vui của người được hỗ trợ để thoát nghèo
Xã Sơn Điền trước kia khốn khó, tách biệt với trung tâm huyện Di Linh gần 50km phần lớn nhà tranh, tre nứa, người dân thiếu vốn, thiếu cơm. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong địa phương cùng với kết quả đầu tư các chương trình dự án của Nhà nước, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bức tranh kinh tế xã hội ở Sơn Điền đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn xã đã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 9,7%.
Ông Ka Thuyền ở thôn Bờ Rơm trước đây cuộc sống rất khó khăn. Được sự động viên của cán bộ Hội Nông dân xã, ông đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Di Linh, đầu tư mua phân bón cải tạo diện tích càphê hiện có, đến nay, có được cuộc sống đủ đầy, thu nhập trăm triệu đồng/năm.
Ở thôn 2, xã Lộc Tân có gia đình chị Ka Tés, dân tộc Mạ, đã có tới 3 lần vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền là 106 triệu đồng để đầu tư xây dựng mô hình kinh tế gia trại tổng hợp.
“Ban đầu, tôi sử dụng đồng vốn vay vào việc nuôi 2 con bò vắt sữa. Sau khi làm ăn sinh lời, trả được nợ gốc, lãi đầy đủ nên được Hội Phụ nữ thôn bảo lãnh vay tiếp vốn ưu đãi các chương trình tín dụng dành cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chương trình giải quyết việc làm để mua con giống tốt, làm lán trại nuôi tằm, tạo kén ươm tơ dệt lụa. Tuy chưa giàu có lắm nhưng giữa mùa dịch COVID-19 năm nay, gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo túng và hiện đang sửa sang căn nhà ở cho khang trang đón xuân Nhâm Dần 2022,” chị Ka Tés tâm sự.
Thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục bám sát các chính sách, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn mọi nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững./.