Trong những ngày cả nước tiếc thương trước sự ra đi của Lãnh tụ Fidel Castro, Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức triển lãm những bức ảnh về nhà lãnh đạo Cuba huyền thoại sau 3 lần ghé thăm Việt Nam.
Đây là những bức ảnh hết sức quý báu và được tập thể Ban ảnh nói riêng cũng như Thông tấn xã Việt Nam hết sức trân trọng và gìn giữ.
Ông Lê Trí Dũng, Trưởng ban Biên tập sản xuất Ảnh và Báo chí - Thông tấn xã Việt Nam, một người từng vinh dự 2 lần gặp mặt Fidel Castro đã xúc động chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với VietnamPlus.
Phóng viên: Fidel Castrol đã từng nói: "Vì Việt Nam, Cuba sẽ hiến dâng cả máu của mình." Điều này thể hiện tinh thần quốc tế cũng như mối thâm tình giữa hai nước. Ông nghĩ thế nào về mối quan hệ ấy trong những ngày nhân dân Việt Nam và thế giới đau buồn về sự ra đi của Fidel?
Năm 2015, nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cuba, Ban Ảnh chúng tôi thay mặt Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức cuộc triển lãm trưng bày ảnh về Fidel Castro. Không những tấm lòng của những người làm báo Thông tấn mà sâu thẳm trong bản thân tôi cũng rất muốn có một sự kiện trang trọng.
Cuba là một trong những nước châu Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam mặc dù hai nước ở hai nửa bán cầu. "Vì Việt Nam, Cuba sẽ hiến dâng cả máu của mình." có lẽ là lời nói hàng triệu người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ khi lần đầu tiên Chủ tịch Fidel Castro đến thăm Việt Nam.
Câu nói này thể hiện sự đoàn kết, sự ủng hộ vô cùng quý báu của nhân dân Cuba do lãnh tụ Fidel đứng đầu, sẵn sàng ủng hộ cuộc kháng chiến rất gian khổ của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi năm 1975 và sau này tái thiết đất nước.
Khi đồng chí Fidel Castro mất, cùng với sự chia buồn sâu sắc, chúng tôi đã ngay lập tức thể hiện tấm lòng của mình làm một cuộc trưng bày ảnh trong đó có những tấm ảnh rất quý báu của Fidel ở Việt Nam.
Từ ngày 12 đến 17/9/1973 khi cuộc kháng chiến của dân tộc ta vẫn đang trong giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Fidel Castro đã vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam, vào vùng tuyến lửa Quảng Trị. Đó là ngày 15/9 năm 1973, Fidel đã đến căn cứ Tân Lâm, Dốc Miếu (Quảng Trị) trong vành đai McNamara quân Giải phóng vừa giải phóng xong. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất cụ thể sâu sắc của vị Lãnh tụ, xuống tận nơi chia sẻ với nhân dân Quảng Trị. Sau đó, Fidel đã đi đến một đồn an ninh nhân dân Bến Hải, nơi cũng vừa dứt tiếng bom tiếng súng.
Với Đại sứ quán Cuba, thông qua Thông tấn xã Việt Nam, chúng tôi thường xuyên có những chia sẻ giúp đỡ hết sức chân tình, cung cấp ảnh cũng như tài liệu về vị Lãnh tụ Fidel giúp Đại sứ quán. Điều đó thể hiện sự trân trọng của Ban Ảnh nói riêng và của Thông tấn xã Việt Nam nói chung đối với vị Lãnh tụ của Cuba.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình cảm của người dân Việt Nam trong những ngày tưởng niệm Lãnh tụ Fidel mất?
Để tỏ lòng thương tiếc, biết ơn đồng chí Fidel Castro và xuất phát từ quan hệ đặc biệt Việt Nam-Cuba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã quyết định để tang đồng chí Fidel Castro với nghi thức Quốc tang vào ngày 4/12.
Đi trên đường phố trong ngày Quốc tang, khắp nơi đều treo cờ rủ. Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội cũng đã tổ chức lễ viếng, mở sổ tang, tưởng niệm Lãnh tụ Fidel Castro Ruz của nhân dân Cuba anh em từ ngày 28/11 đến 4/12. Rất nhiều người dân Việt Nam từ khắp nơi đã đến viếng, ghi sổ tang và tưởng niệm.
Cùng với đó, nếu nhìn những bức ảnh phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thể hiện trên khắp cả nước bạn sẽ thấy được tình cảm rất chân thành đối với sự mất mát rất to lớn của nhân dân Cuba.
Riêng ngày 4/12, Việt Nam quốc tang đồng chí Fidel, Ban ảnh chúng tôi đã phát những hình ảnh rất xúc động trên cả nước theo hệ thống các phóng viên thường trú gửi về. Bản thân Ban ảnh Thông tấn xã Việt Nam cũng đã phát gần 300 bức ảnh về Fidel Castro. Bên cạnh có chúng tôi đã làm những bản trình chiếu ảnh như: Thế giới vĩnh biệt Lãnh tụ Cuba Fidel, Lãnh tụ Fidel Castro: Người bạn của nhân dân Việt Nam.
Tấm lòng rất chân thành đối với Cuba, những người làm ảnh nói riêng và Ban ảnh Thông tấn xã nói chung chúng tôi đã thể hiện sâu sắc đến như vậy.
Là người cầm máy, ông đã thực hiện nhiều bộ ảnh nào về Fidel nói riêng và Cuba nói chung. Mỗi bức ảnh lại là một câu chuyện, ông có thể chia sẻ điều này không?
Bản thân tôi, cũng đã từng được sang Cuba hai lần dưới danh nghĩa phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, đi phục vụ các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tôi rất cảm xúc vì được gặp Fidel trên mảnh đất Cuba anh hùng và tôi cảm nhận Người rất gần gũi, thân mật. Một con người đúng như lời nói là một nhà cách mạng chân chính.
Hai lần trực tiếp gặp Fidel, Người đã đón tiếp đoàn hết sức cởi mở. Tôi cảm nhận Fidel là một người rất chân thành, giản dị, gần gũi. Bên cạnh đó Người cũng quan tâm đến công việc của đoàn, những khó khăn của đoàn công tác. Tôi có cảm giác Fidel lo lắng cho chúng tôi như những người thân trong gia đình.
Tôi cũng vinh dự được Người cho phép chụp ảnh cùng, và đến nay tôi vẫn giữ tấm ảnh đó bên mình như một sự trân trọng đối với Người.
Fidel Castro là một người bạn, một người đồng chí thân thiết đối với Việt Nam. Bản thân ông suy nghĩ gì trước sự ra đi của Người?
Trong những năm tháng chiến tranh, đất nước Cuba đã hết lòng giúp đỡ Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Cuba luôn được duy trì và phát triển không ngừng là nhờ vào sự vun đắp của Fidel. Người là một Lãnh tụ của Cuba mà cả thế giới đều ngưỡng mộ.
Người không những chiến đấu, cống hiến đem lại độc lập, hạnh phúc ấm no cho nhân dân Cuba mà Người còn mang lại tình cảm, niềm tin cho các nhân tộc bị áp bức trên thế giới. Với tôi, cảm giác như Fidel Castro vẫn còn mãi mãi, không có cảm giác người đã ra đi.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!