Reuters đưa tin Iran tiếp tục đe dọa tăng tốc sản xuất uranium làm giàu, người đứng đầu cơ quan giám sát nguyên tử của Liên hợp quốc hôm 10/6 tuyên bố.
Không còn sử dụng những lời lẽ thận trọng thường thấy, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nói rằng ông lo ngại về tình trạng căng thẳng leo thang.
Đánh giá trên được đưa ra tại thời điểm cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran tăng mạnh trong những tuần gần đây, một năm sau khi Washington từ bỏ thỏa thuận được ký giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính quốc tế.
Từ đầu tháng Năm vừa qua, Washington đã siết chặt các lệnh trừng phạt, yêu cầu tất cả các quốc gia và công ty tạm dừng mọi hoạt động nhập khẩu dầu của Iran hoặc (nếu không) sẽ bị "trục xuất" khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
[Tổng thống Iran Rouhani nêu điều kiện đàm phán với Mỹ]
Mỹ cũng đã điều thêm binh sỹ đến khu vực để đối phó với những gì mà họ mô tả là các mối đe dọa từ Iran.
Iran đã đáp trả bằng việc dọa tăng cường làm giàu uranium, tuyên bố rằng điều đó tùy thuộc vào châu Âu, một bên vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran để cứu văn kiện này thông qua việc tìm cách đảm bảo rằng Tehran có được lợi ích kinh tế như đã cam kết.
Người đứng đầu IAEA, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân, cho biết Iran hiện đang sản xuất uranium làm giàu nhiều hơn trước, nhưng không rõ khi nào quốc gia này có thể đạt đến giới hạn dự trữ như quy định trong thỏa thuận.
"Đúng, tốc độ sản xuất đang tăng lên," ông Yukiya Amano tuyên bố trong một cuộc họp báo khi được hỏi liệu sản xuất uranium được làm giàu có tăng tốc kể từ báo cáo hàng quý gần đây nhất của IAEA, trong đó nhận thấy Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Ông từ chối cho biết con số tăng bao nhiêu.
Iran cho biết tháng trước họ vẫn tuân thủ thỏa thuận này nhưng sẽ tăng gấp 4 lần sản lượng uranium đã làm giàu - một động thái có thể khiến thỏa thuận không được tuân thủ nếu họ đi quá xa.
Tehran yêu cầu các nước châu Âu làm nhiều hơn để bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt.
Hôm 10/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã trở thành quan chức cao cấp nhất của phương Tây thăm Iran kể từ khi cuộc khẩu chiến mới nổ ra hồi tháng trước giữa Washington và Tehran.
"Tình hình ở khu vực lúc này rất dễ bùng nổ và cực kỳ nghiêm trọng," Ngoại trưởng Maas nói trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. "Một sự leo thang nguy hiểm của tình hình căng thẳng hiện nay cũng có thể dẫn đến leo thang quân sự."
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức, Tổng thống Hassan Rouhani đã đổ lỗi cho Mỹ khiến căng thẳng leo thang nhanh chóng và kêu gọi các bên châu Âu tham gia ký thỏa thuận "chống lại cuộc chiến kinh tế chống Iran do Mỹ áp đặt."
"Cuộc chiến này... sẽ không bao giờ có lợi cho bất kỳ quốc gia nào và người dân Iran sẽ chống lại những sức ép và hành vi bắt nạt này," Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn lời ông Rouhani.
Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết Iran sẽ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để cứu vãn thỏa thuận này.
"Hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng chỉ có thể thông qua việc ngăn chặn cuộc chiến kinh tế của Mỹ," ông nói. "Những kẻ tiến hành các cuộc chiến như vậy không thể hy vọng được an toàn."
Ngoại trưởng Đức kêu gọi Iran tránh leo thang và tuân thủ các cam kết nêu trong thỏa thuận hạt nhân.
Nếu không, Tehran sẽ có nguy cơ bị cô lập hơn nữa trên trường quốc tế và mang lại nhiều bất ổn hơn trong khu vực, ông Maas cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình ZDF, phát sóng ngay sau khi ông trở về Berlin vào tối 10/6.
Giảm căng thẳng thông qua đối thoại
Amano cho biết ông lo ngại về sự gia tăng căng thẳng trong vấn đề hạt nhân.
Ông nói thêm rằng ông hy vọng "có thể tìm ra các giải pháp nhằm giảm bớt căng thẳng hiện nay thông qua đối thoại. Điều cần thiết là Iran thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan đến hạt nhân" theo thỏa thuận.
Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố những phát hiện của IAEA cho thấy "Iran đang đi sai hướng và điều đó khẳng định thách thức mà Iran đang và tiếp tục đặt ra đối với hòa bình và an ninh quốc tế."
Các đồng minh châu Âu của Washington đã phản đối quyết định (của Mỹ) hồi năm ngoái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran và Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc.
Các quốc gia này đã cam kết sẽ giúp Iran tìm ra những cách thức khác để giao dịch, mặc dù cho đến nay chưa thành công.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, tất cả các công ty lớn ở châu Âu từng công bố kế hoạch đầu tư vào Iran đã tạm ngừng giao dịch với Iran vì lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Iran cho rằng châu Âu đã không làm đủ để cung cấp cho họ những hình thức khác để giao dịch. "Chúng tôi đã không thấy bất kỳ biện pháp quan trọng nào được châu Âu thực hiện trong năm qua mặc dù lập trường chính trị của họ khá tốt," ông Rouhani nói.
(Ngoại trưởng Đức) Maas cho biết có giới hạn về mức độ giúp đỡ mà các quốc gia châu Âu có thể đưa ra. "Chúng tôi muốn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình," ông Maas nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Zarif.
"Chúng tôi không thể tạo ra phép màu, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng ngăn chặn một thất bại" của thỏa thuận hạt nhân.
Pháp, Anh và Đức đã lập cơ chế thanh toán các giao dịch đặc biệt, có tên là Instex, cho phép các doanh nghiệp hợp tác với Iran có thể vượt qua các lệnh trừng phạt (của Mỹ) một cách hợp pháp. Tuy nhiên, công cụ Instex này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Đây là một công cụ mới và không đơn giản để nó có hiệu lực, ông Maas nói với báo giới.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm "tất cả các yêu cầu chính thức đã được đưa ra, và vì vậy tôi cho rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng sử dụng nó trong tương lai gần."
Washington đã lên án các kế hoạch của châu Âu. Các nhà ngoại giao cho biết hệ thống này khó có thể tác động nhiều đến trao đổi thương mại với Iran nhưng có thể được sử dụng cho các hoạt động giao dịch nhân đạo được phép theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ không hỗ trợ bất kỳ cơ chế thanh toán nào cho phép các quốc gia hoặc doanh nghiệp thực hiện các giao dịch với các thực thể Iran bị trừng phạt.
Washington cho rằng thỏa thuận hạt nhân nên được mở rộng để giải quyết các vấn đề khác bao gồm chương trình tên lửa của Iran và vai trò của quốc gia này trong các cuộc chiến tranh ở khu vực.
Các nước châu Âu lập luận rằng mặc dù họ chia sẻ những lo ngại đó, nhưng sẽ khó giải quyết hơn nếu không có thỏa thuận hạt nhân.
Iran đã loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào về chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động của họ ở Trung Đông, nơi Tehran đã tham gia vào các cuộc chiến ủy nhiệm với Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ./.