Vô vàn khó khăn trong thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng

Sau ba năm áp dụng trong thực tiễn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa phát huy được vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thậm chí còn nảy sinh nhiều bất cập.
Vô vàn khó khăn trong thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sau ba năm áp dụng trong thực tiễn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa phát huy được vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thậm chí còn nảy sinh nhiều bất cập.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có một nghịch lý rằng mặc dù Hội được giao trách nhiệm nhưng không được giao quyền hạn cũng như nguồn lực để thực hiện.

Chính vì vậy mà đến nay, trong bảy nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hội theo khoản 1, điều 28 của Luật, vẫn còn nhiều nội dung không thể thực hiện hoặc có thực hiện cũng vô cùng khó khăn.

Luật dưới góc nhìn đa chiều

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã tạo lập hành lang pháp lý cần thiết cho việc bảo vệ người tiêu dùng, xác lập được sự ổn định trong quan hệ giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Từ đó đã hình thành được nền tảng tư duy mới trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và thiết lập được vị thế các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ, hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Đây là nhận định của giới chuyên gia tại Hội thảo “Nhìn lại ba năm thực thi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tổ chức ngày 28/10, tại Hà Nội.

Tuy đã bước sang năm thứ 3 thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng dường như người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc có hiểu thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng trở thành rào cản để họ thực thi những quyền lợi được hưởng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, từ đầu năm đến nay, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận trên 1.000 vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi người tiêu dùng; trong đó đã xử lý thành công trên 75% vụ việc.

Trong số chưa thành công có một phần lỗi từ người tiêu dùng mua hàng nhưng không lấy hóa đơn, không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và một phần khác do phía doanh nghiệp thiếu thiện chí.

Nhiều trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, không biết khiếu nại ở đâu hoặc bỏ qua vụ việc vì cho rằng mức thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, chính việc không lên tiếng đó khiến người kinh doanh tiếp tục “móc túi" người tiêu dùng. Nhỏ nhất là người tiêu dùng bị ăn gian về trọng lượng. Đơn cử như một gói đường, hoặc một gói mỳ chính thiếu trọng lượng một chút thì một tháng, một năm, người kinh doanh đã “móc túi” người tiêu dùng một lượng không nhỏ.

Ở Việt Nam, hiện tỷ lệ khiếu nại của người tiêu dùng còn rất thấp so với các nước phát triển, văn minh. Điều này, một phần vì tâm lý ngại đụng chạm, ngại “gõ cửa” cơ quan công quyền, ngại đơn từ... nhưng một phần cũng vì bản thân người tiêu dùng chưa ý thức được quyền của mình đối với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ và địa chỉ để khiếu nại.

Thực chất, bảo vệ người tiêu dùng chính là một phần quan trọng trong bảo vệ quyền con người, như Công ước mà Việt Nam tham gia. Hơn thế, đó chính là những quyền sát sườn nhất, thể hiện rõ nhất trong đời sống thường ngày.

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đem lại nhưng theo ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam để Luật thực sự đi vào cuộc sống cần phải tạo tính minh bạch của các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng kể cả trong các quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch với người tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Một trong những ưu điểm của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, ông Trần Việt Hùng cho rằng đến nay Luật này vẫn chưa phát huy được vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và còn có những vấn đề bất cập như chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; một số quy định đề ra trong Luật chưa được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn yếu kém...

Ông Vũ Minh Tuấn, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Phú Thọ chia sẻ hiện các cấp đều có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, nhưng có vẻ như thiếu cơ quan cầm trịch và thiếu sự phân công chuyên trách, đào tạo kỹ năng cho các cơ quan nói trên. Điều này không chỉ khiến những người làm công tác bảo vệ người tiêu dùng đôi khi bối rối trong xử lý, đồng thời cũng khiến người tiêu dùng không có một địa chỉ đương nhiên để tìm tới khi quyền lợi bị xâm hại.

Ngoài ra, Luật có một chương riêng, quy định chức năng của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng; trong đó có chức năng giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, đến nay, Hiệp hội vẫn chưa được cấp kinh phí để hoạt động. Ngoài ra, Hội còn có thẩm quyền trong việc đưa một vụ việc ra tòa nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Cải thiện ý thức người dân

Là người trực tiếp thực hiện Luật này, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh-Bộ Công Thương) chia sẻ thời gian qua, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ý thức xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể.

Cộng đồng doanh nghiệp đã có những hoạt động thiết thực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song song với việc cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng nhiều hình thức bán hàng thuận lợi với mục đích chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thì nhiều doanh nghiệp đã chủ động thành lập bộ phận giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, chủ động xây dựng các kênh thông tin để tiếp nhận những phản ánh, ý kiến của người tiêu dùng.

Đặc biệt, thực hiện Điều 22 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về Trách nhiệm thu hồi sản phẩm có khuyết tật, đến nay, sau ba năm đã có khoảng 50 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm của các lĩnh vực như ôtô xe máy, nước mắm, đồ chơi trẻ em, thuốc đánh răng. Điều này thể hiện được ý thức tự giác cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng đã được nâng cao.

Không chỉ tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp còn tích cực thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội trong các hoạt động hướng tới người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực trong thời gian qua là Vinamilk, TH Truemilk, Mobifone, Unilever, P&G, Samsung, LG, Tôn Hoa Sen...

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các doanh nghiệp nên tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ người tiêu dùng đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Mỗi doanh nghiệp nên treo pano, áp phích ghi 8 quyền lợi người tiêu dùng tại các điểm bán hàng... Cùng với đó, vấn đề cốt lõi là hoàn thiện cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương mà Sở Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Về phía doanh nghiệp, cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng theo quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản khác có liên quan.

Mặt khác, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đẩy lùi tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đại diện của người tiêu dùng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội cần chú trọng, quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ người tiêu dùng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Về phía các địa phương cần hoàn thiện bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng cần hiểu biết các quyền của mình và chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, thời gian qua Bộ Công Thương đã cố gắng hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời xây dựng các công cụ hỗ trợ người tiêu dùng. Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi tốt hơn nữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong năm 2014, Cục Quản lý Cạnh tranh đã bước đầu xây dựng và áp dụng Bản cam kết bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam.

Hiện đã có một số doanh nghiệp tham gia bản cam kết và sẽ được mở rộng trong các năm tiếp theo. Tuy vậy ông Tuấn cho rằng vẫn cần phải có một chính sách toàn diện về bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải được trang bị đầy đủ các công cụ pháp lý cần thiết và được chỉ đạo xuyên suốt để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đạt hiệu quả cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục