Võ Nguyên Giáp: Con người tài đức, văn võ song toàn

Không chỉ là một vị tướng tài, khiến đối thủ cũng phải nể phục, đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà văn hóa lớn, là một tấm gương lớn về nhân cách và lương tri thời đại.
Không chỉ là một vị tướng tài, khiến đối thủ cũng phải nể phục, đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà văn hóa lớn, là một tấm gương lớn về nhân cách và lương tri thời đại. * Vị tướng tài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thanh niên quê Lệ Thủy, Quảng Bình, qua một hành trình dài: từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, không qua trường lớp quân sự nào, chỉ bằng con đường tự học và trải nghiệm thông qua thực tiễn hoạt động và chiến đấu đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo; một vị tổng tư lệnh văn võ song toàn; là “Tư lệnh của các Tư lệnh”; “Chính ủy của các Chính ủy”; một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đức độ, tài năng, khiêm tốn và giản dị, dân chủ và bao dung, thanh cao và quyết đoán - đó là nhân cách Võ Nguyên Giáp - một vị tướng tài đức vẹn toàn, “một con người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới”. Tham gia cách mạng từ rất sớm, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng giao trọng trách xây dựng và chỉ huy quân đội ta từ ngày đầu thành lập với đội quân du kích chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, rồi từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến để làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam non trẻ dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, sự chỉ huy của vị Đại tướng mới ngoài 40 tuổi đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay của quân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ là “cây cột mốc bằng vàng” đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc”. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Trong lúc cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam diễn ra gay go, ác liệt, để tạo thực lực về cơ sở vật chất và lực lượng cho cách mạng miền Nam, ông đã đề xuất với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đường chiến lược Trường Sơn. Con đường chiến lược Hồ Chí Minh đã hình thành từ đó, đã tiếp sức cho cách mạng miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.
Võ Nguyên Giáp: Con người tài đức, văn võ song toàn ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bệnh viện Bạch Mai bị máy bay Mỹ ném bom gây hư hại nặng (Nguồn: TTXVN)
Có thể nói, trên những cương vị như Bí thư Quân ủy Trung ương; Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng chỉ huy quân đội Nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc. Ông cùng với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối quân sự của Đảng, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân, vận dụng sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự, hình thành học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo nước nhỏ, đánh thắng những kẻ thù lớn mạnh nhất trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là “Một thống soái vĩ đại”, “Một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế. Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại” (Võ Nguyên Giáp-Man and Myth, New York, F.P.Publishers, 1962), nhà báo - nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá rất xác đáng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”. * Nhà văn hóa lớn Quả thật, con người và sự nghiệp của ông không chỉ tỏa sáng rực rỡ trên lĩnh vực quân sự. Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu không nói đến những cống hiến có giá trị to lớn của ông trên mặt trận văn hóa-tư tưởng và một số lĩnh vực khác. Có thể khẳng định rằng trên thế giới hiếm có một vị tướng nào sánh kịp ông: Viết nhiều bài báo nhất, cả hàng trăm bài; để lại nhiều luận văn nhất, gần 100 bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt là viết nhiều sách văn học nhất. Ông là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng, luôn coi trọng thực tiễn là lý luận, là chân lý, dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào khuyết điểm để chuyển bại thành thắng, rất chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, chuyên gia, các nhà trí thức, khoa học... Ông đã đề xuất nhiều vấn đề đi trước thời gian như có ý kiến rất sớm về kinh tế tri thức, kinh tế biển, khoa học kỹ thuật công nghệ cao, kinh tế trang trại, chiến lược phát triển con người… Khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, ông ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị và phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để tiến hành Cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" đạt hiệu quả cao, nhận thấy ông là người rất thích hợp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đề nghị ông tham gia nghiên cứu, đóng góp vào nhiệm vụ quan trọng này. Ông vui vẻ nhận lời và bắt tay viết ba chuyên luận: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", "Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh", "Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi". Những tác phẩm này có giá trị lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng và làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng trong thời kỳ mới.
Võ Nguyên Giáp: Con người tài đức, văn võ song toàn ảnh 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh ở lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996 (Nguồn: TTXVN)
Ở chuyên ngành nào thuộc phạm vi mình phụ trách, ông cũng đều có những ý kiến xác đáng, thấu tình đạt lý. Với ngành sử học, ông góp rất nhiều chính kiến rất cơ bản. Ông cho rằng môn sử-địa giúp ích rất lớn về nâng cao tri thức, lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội. Và ông đặt câu hỏi: "Mình đã nhiều lần đi trao giải cho các học sinh thi giỏi Toán, Vật lý nhưng sao không thấy có giải của môn sử-địa? Cần nghiên cứu vấn đề này kể cả trong cách dạy và học, cùng với nhiều hình thức sinh động khác". Về giáo dục và đào tạo, ông thường tâm sự với các vị lãnh đạo ngành, các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên rằng: "Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống... Ngay cả sau khi nghỉ hưu, tuổi đời rất cao, nhưng khi được hỏi, ông vẫn rất minh mẫn, sắc sảo, sáng suốt đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đảng, Chính phủ và Quân đội… ./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục