VNREDSat-1 giúp thu thập thông tin vật chất lơ lửng vùng nước ven bờ

VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám đa phổ đầu tiên của Việt Nam có thể giúp thu thập dữ liệu vật chất lơ lửng ở các vùng nước ven bờ, từ đó nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.
Nước sông Hồng lên cao (ảnh chụp sáng 21/8/2020 phía bên tả sông Hồng, thuộc địa bàn xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tối 5/10, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 trong thu thập thông tin vật chất lơ lửng vùng nước ven bờ Việt Nam.”

VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám đa phổ đầu tiên của Việt Nam được phóng vào ngày 7/5/2013.

Vệ tinh hiện đang được vận hành, điều khiển bởi Trung tâm Điều khiển khai thác vệ tinh nhỏ thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Vệ tinh được phóng lên với mục tiêu nghiên cứu biến đổi khí hậu, dự báo, điều tra, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và nâng cao quản lý tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố việc triển khai thành công nghiên cứu thuật toán xử lý ảnh vệ tinh VNREDSat-1 trong thu thập thông tin vật chất lơ lửng vùng nước ven bờ Việt Nam.

Dữ liệu phát triển thuật toán được thu thập từ đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình khoa học và công nghệ vũ trụ nhà nước, các đề tài nghiên cứu khoa học của đối tác Pháp tại các khu vực cửa sông Hồng, cửa sông Mekong và các vùng nước ven bờ miền Trung từ thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đến Ninh Thuận.

[Việt Nam khẳng định đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh]

Nhà nghiên cứu Đinh Ngọc Đạt, Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trước đây, việc thu thập dữ liệu vật chất lơ lửng ở các vùng nước ven bờ của Việt Nam hoàn toàn phải dựa vào các dữ liệu miễn phí của các nước trên thế giới, độ chính xác không cao và không đáng tin cậy.

Theo ước tính, sai số từ các dữ liệu miễn phí đó có thể dao động từ 30-218%; trong khi việc phát triển thành công thuật toán xử lý ảnh của vệ tinh VNREDSat-1 đã cung cấp cho các nhà khoa nước ta những số liệu chỉ có sai số cao nhất là 18%.

Với việc làm chủ công nghệ và có được vệ tinh của riêng mình, Việt Nam đã có thể tự thu thập dữ liệu, không phải nhờ vào các số liệu miễn phí có độ tin cậy thấp của các nước khác.

Hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hoạt động dân sinh khu vực ven biển đang diễn biến phức tạp, có khả năng gây ra xói lở ven bờ, đặc biệt là khu cửa sông.

Những thông số về vật chất lơ lửng gồm vật chất vô cơ, hữu cơ trong nước là những thông số mang tính tổng quát về môi trường nước, giúp các nhà khoa học, nhà quản lý nhận diện được môi trường vùng biển, từ đó đưa ra đánh giá chính xác về ô nhiễm môi trường biển, tính toán khả năng xói mòn cửa sông, những yếu tố ảnh hưởng đến bồi tụ ven bờ, đưa ra những dự báo chính xác hơn trong tương lai.

Nghiên cứu này giúp cung cấp thông tin phân bố vật chất lơ lửng cho các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường trong giám sát xu thế và nhận diện khu vực có nguy cơ xói lở ven bờ, cửa sông ven biển; đưa ra các giải pháp bảo vệ thích hợp, góp phần phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, điều tra khảo sát tài nguyên thiên nhiên biển, đặc biệt là vùng biển ven bờ nước ta./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục