VNR lên tiếng về quy định tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên đường sắt

Lãnh đạo VNR cho rằng việc quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với các chức danh nhân viên đường sắt là rất cần thiết vì đây là lao động thuộc loại nặng nhọc, độc hại, đòi hỏi sức khỏe tốt.
VNR lên tiếng về quy định tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên đường sắt ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Liên quan đến dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đang gây dư luận trái chiều, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xung quanh vấn đề này.

- Xin ông đánh giá về những tiêu chuẩn sức khỏe đối với các vị trí lái tàu, phụ tàu, nhân viên tuần đường... được quy định trong dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đang được Bộ Y tế xây dựng và xin ý kiến?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Trước hết, phải khẳng định rằng việc quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với các chức danh lái tàu, phụ tàu, nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm... là rất cần thiết vì đây là lao động thuộc loại nặng nhọc, độc hại, đòi hỏi sức khỏe tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn. Vì vậy, từ nhiều năm qua, VNR đã duy trì việc kiểm tra nghiêm ngặt điều kiện sức khỏe đối với các chức danh này khi tuyển chọn cũng như trong suốt quá trình công tác của người lao động.

Cụ thể, đối với chức danh lái tàu, Bộ Y tế đã có tiêu chuẩn cụ thể được Ban hành theo Quyết định số 4132/2001/QĐ-BYT ngày 4/10/2001 về việc ban hành bản "Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới."

[VNR: Lái tàu, gác đường ngang, tuần đường phải là nghề nguy hiểm]

Đối với các chức danh khác liên quan trực tiếp đến công tác chạy tàu, căn cứ Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của Bộ Y tế, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam (nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cũng đã ban hành tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của lao động đường sắt và đã được áp dụng trong nhiều năm qua, nay được rà soát, bổ sung, điều chỉnh để ban hành mới, thực thi Luật Đường sắt 2017.

Những tiêu chuẩn về sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đang được Bộ Y tế xây dựng tại dự thảo có sự tham gia của chuyên gia các bệnh viện đầu ngành như Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương... Tuy nhiên, theo quan điểm của VNR, nếu trong quá trình triển khai thực tế, những tiêu chuẩn không ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc thì không cần thiết đưa vào dự thảo. VNR đã giao Trung tâm Y tế Đường sắt phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia đóng góp trực tiếp với Ban soạn thảo.

- Với vị trí lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn của nam giới là cao từ 1,64m trở lên, cân nặng từ 52kg, vòng ngực trung bình từ 80cm, lực bóp tay thuận từ 37kg... Tương tự với nữ là cao từ 1,58m, cân nặng từ 47kg, vòng ngực trung bình từ 75cm, lực bóp tay thuận từ 25kg trở lên. Theo ông, vì sao phải quy định cụ thể như vậy?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Lái tàu là lao động thuộc loại nặng nhọc, độc hại loại 4, loại 5 nên sức khỏe phải tốt. Việc quy định vòng ngực nghe có vẻ “nhạy cảm” nhưng thực sự cần thiết vì liên quan đến thể lực, chiều cao theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vòng ngực tối thiểu như vậy mới đảm bảo thể tích lồng ngực cho các chức năng khác như hô hấp.

Những quy định về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, thị lực, thính lực... liên quan đến tầm với, tầm quan sát, sức khỏe của nhân viên nên phải quy định nghiêm ngặt vì các vị trí công việc này đều liên quan trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc mà Đường sắt quốc gia đang vận hành vẫn còn chưa hiện đại thì vai trò của con người trực tiếp vận hành chính là yếu tố quyết định.

- Dự thảo này còn có một số nội dung liên quan đến chức năng sinh lý của cả nam và nữ. Yếu tố này được dư luận cho là quá khắt khe. Vậy quan điểm của ông về vấn đề nay như thế nào?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Nhiều người bức xúc với quy định về khám dương vật, tinh hoàn, bộ phận tiết niệu... nhưng chúng tôi thấy rằng việc kiểm tra là cần thiết, bởi nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo... không thể tuyển đầu vào để học và lái tàu. Lái tàu là nghề đặc biệt hơn các ngành nghề khác bởi họ thường phải lái đường dài, sức khỏe bản thân người lái tàu có ảnh hưởng đến nhiều người. Ví dụ, nam lái tàu bị bệnh hẹp niệu đạo, tiểu rắt và cứ 15-20 phút phải đi tiểu 1 lần, mỗi lần đi mất 5-10 phút thì không thể đảm bảo bởi công việc lái tàu đòi hỏi tập trung cao độ.

VNR lên tiếng về quy định tiêu chuẩn sức khỏe nhân viên đường sắt ảnh 2Công nhân duy tu, bảo dưỡng đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa phận thành phố Vinh (Nghệ An). (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

- Thời gian vừa qua nhiều vụ tai nạn, sự cố đường sắt liên quan đến yếu tố con người. Liệu đây có phải là lý do khiến VNR đã tăng điều kiện tiêu chuẩn sức khỏe đối với nguồn nhân lực khi vào ngành đường sắt hay không, thưa ông?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Trong thời gian qua xảy ra một số sự cố đường sắt có liên quan đến yếu tố chủ quan của con người như vi phạm quy trình quy phạm, tác nghiệp... chứ không liên quan đến yếu tố sức khỏe bởi VNR thực hiện rất nghiêm ngặt việc kiểm tra sức khỏe đối với các nhân viên trực tiếp làm công tác chạy tàu; chế độ nghỉ ngơi, sức khỏe của cán bộ công nhân viên trong thời gian thực hiện nhiệm vụ vì đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn chạy tàu.

Cụ thể, đối với các chức danh trực tiếp làm công tác phục vụ chạy tàu, định kỳ 6 tháng 1 lần, VNR thực hiện việc khám sức khỏe và sàng lọc lao động, chủ yếu liên quan đến thị lực và tim mạch... Khi lên kiểm tra, tài xế phải đến trước 4 tiếng để làm một số kiểm tra và nghỉ ngơi tại phòng trực ban, đảm bảo sức khỏe trước khi lên buồng lái./.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục