VNPT 'vượt khó' năm 2021 với doanh thu hơn 56,6 ngàn tỷ đồng

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, VNPT đã có phương án, chiến lược rất cụ thể để vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa sát cánh cùng Chính phủ phòng, chống dịch bảo đảm "mục tiêu kép."
VNPT 'vượt khó' năm 2021 với doanh thu hơn 56,6 ngàn tỷ đồng ảnh 1Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 của Tập đoàn VNPT diễn ra vào ngày 24/12, ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT nhấn mạnh năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng VNPT đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao với nhiều dấu ấn đáng ghi nhận.

Tổng doanh thu đạt 103,4% kế hoạch năm 

Năm 2021, VNPT đã tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, trong đó mở rộng dung lượng kết nối Internet quốc tế thêm 23%; năng lực tính toán/lưu trữ mở rộng của hệ thống trung tâm dữ liệu tăng 25% so với cuối năm 2020; triển khai thử nghiệm thương mại 5G.

Việc kinh doanh các dịch vụ cốt lõi đạt tăng trưởng tốt, như giữ vững thị phần số 1 về thuê bao băng rộng cố định; dịch vụ về hạ tầng công nghệ thông tin tăng 26,6%, chính quyền số tăng 118,7%, giáo dục số tăng 15,8%.

VNPT đã khẳng định được vai trò chủ lực trong chuyển đổi số quốc gia khi triển khai thành công nhiều nền tảng lớn cho Chính phủ, địa phương…

Cũng trong năm 2021, thực hiện mục tiêu kép vừa "phòng chống dịch hiệu quả" vừa "phát triển kinh tế," VNPT đã đóng góp, ủng hộ cùng Chính phủ và người dân 3.040 tỷ đồng, qua đó đã thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh của một doanh nghiệp nhà nước với Chính phủ và toàn xã hội.

Kết thúc năm 2021, VNPT đạt tổng doanh 56.605 tỷ đồng, bằng 103,4% kế hoạch; lợi nhuận đạt 7.103 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.371 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 5.408 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10%;  bảo đảm 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động.

Năm 2022, tập đoàn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao; trong đó lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng 6% trở lên so với năm 2021, doanh thu tăng từ 4% trở lên…

[Khai trương nền tảng Chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam]

Theo công bố tháng 12/2021 của Brand Finance, thương hiệu VNPT đứng thứ 2 trong top 50 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất.

Trong năm, hàng loạt các sản phẩm, giải pháp của VNPT cũng được các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và quốc tế vinh danh với 36 giải thưởng từ các tổ chức quốc tế uy tín.

VNPT cũng là doanh nghiệp duy nhất 2 năm liền đạt giải Vàng tại Giải thưởng Make in Việt Nam 2021 cùng nhiều giải thưởng lớn trong nước.

Khẳng định vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia

Năm 2021, VNPT tiếp tục được Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao ở vai trò tham gia trong xây dựng các nền tảng, sản phẩm "Make in VietNam."

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá cao VNPT với vai trò triển khai dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia ngày càng rõ nét khi chỉ trong một thời gian ngắn VNPT đã có thể chuyển dịch thành công các hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng mong muốn  VNPT cần tập trung để đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng số, trong đó khẩn trưởng phủ sóng 4G, bảo đảm 100% người dân có sóng; chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai 5G trong năm 2022, cơ bản phủ toàn quốc những địa bàn trọng yếu; tiếp tục thực hiện thành công chiến lược VNPT 4.0, đưa tập đoàn trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Cùng với đó, VNPT cần khẩn trương nhận và triển khai các nền tảng số quan trọng, chuyển mình từ nhà cung cấp viễn thông trở thành nhà cung cấp nền tảng số; chủ động đi tìm các bài toán trong nước để giải bằng công nghệ số; lấy thị trường trong nước là nôi nuôi dưỡng các sản phẩm lớn đần và đủ sức tiến ra quốc tế…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục