Trong năm 2019, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và là tiền đề quan trọng để trong năm 2020 doanh nghiệp này khẳng định vị thế dẫn dắt của mình trong chuyển đổi số.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 do VNPT này tổ chức tại Hà Nội vào sáng 24/12.
Nhiều kết quả ấn tượng
Theo đại diên VNPT, năm 2019, doanh nghiệp này đã hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cụ thể, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, doanh thu Công ty mẹ đạt 45.730 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, bằng 101,4% so với năm 2018; lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng bằng 100,1% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2018.
Năm 2019, VNPT nộp ngân sách nhà nước 4.926 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 10% so với 2018. Năng suất lao động theo doanh thu trung bình đạt 1,521 tỷ/người, tăng 1,7%.
Về phát triển dịch vụ, VNPT cũng tạo bước đột phá trong việc phát hành gói cước Combo (bao gồm 3 dịch vụ: di động, băng rộng, MyTV) phù hợp với nhu cầu, hành vi tiêu dùng của từng nhóm đối tượng, dựa theo phân khúc khách hàng. Qua đó, dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, với hơn 750.000 thuê bao, tăng 210% so với 2018. Tổng số thuê bao phát sinh cước ước tính đạt hơn 1,63 triệu thuê bao.
Về thương hiệu, VNPT đã vươn lên thứ 2 trong TOP 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, thương hiệu VinaPhone cũng duy trì đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. VinaPhone cũng là nhà mạng duy nhất có số thuê bao chuyển đến lớn hơn so với số thuê bao chuyển đi gần 60.000 thuê bao...
Ngoài ra, tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa do VNPT tự chủ sản xuất, không phải nhập khẩu đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Kết quả này khẳng định năng lực của VNPT trong sản xuất thiết bị công nghệ công nghiệp, đảm bảo an ninh thông tin đồng thời tăng tính chủ động của VNPT trong phát triển mạng lưới.
[VNPT vươn lên vị trí số 2 về giá trị thương hiệu tại Việt Nam]
Trong các hoạt động ra quốc tế, liên doanh Stream Net tại Myanmar đã bước vào năm hoạt động thứ 2 với doanh thu ước đạt 561.000 USD. VNPT cũng triển khai thành công giải pháp E-Office cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Bưu chính viễn thông Lào. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị và giải pháp đã được VNPT cung cấp tại cácthị trường mới như: Nepal, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Lào, Bangladesh...
Đưa dịch vụ số vào mọi mặt của cuộc sống
Một trong những mục tiêu quan trọng của VNPT trong năm 2019 chính là giữ vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số nền kinh tế. Theo ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT thì đơn vị này đã tập trung nguồn lực lớn và đạt được nhiều thành quả khích lệ.
Cụ thể, việc triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia (12/3/2019) và Cổng dịch vụ công quốc gia (tháng 12/2019) là hai thành tố quan trọng trong kiến tạo chính phủ điện tử đã thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong triển khai chính phủ điện tử.
[Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo thuận lợi về thủ tục hành chính]
Hiện, Trục liên thông văn bản quốc gia đảm bảo kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ tới các Bộ, ngành, địa phương. Trục được kết nối đến các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 95/95 đơn vị, bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh/thành phố, với hơn 1 triệu văn bản điện tử được gửi/nhận, trong đó gần 300.000 văn bản gửi đi và 700.000 văn bản đến, tiết kiệm 1.200 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 tỉnh/thành phố, 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ. Đầu năm 2020, Chính phủ sẽ tích hợp thêm 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ...
Ngoài ra, VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh đưa các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong triển khai Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp đi vào thực tiễn. Đến nay, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh/ thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh; Giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet đã triển khai cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và gần 150 đơn vị.
Hiện, VNPT đã khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh thành; Triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; Triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 địa phương. Hiện, gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng VNPT-HIS, gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu Dịch vụ hóa đơn điện tử đạt khoảng 1,4 triệu hóa đơn phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2018.
Trong một lần trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đức Long cho hay VNPT xác định mục tiêu là trụ cột trong chuyển đổi số quốc gia, tập trung phát triển các trung tâm công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo (AI) và trong tất cả sản phẩm chuyển đổi số của VNPT sẽ từng bước đưa AI vào. Đơn vị này cũng sẽ phát triển dịch vụ đám mây, internet vạn vật...
“Việc triển khai đồng bộ, chủ động nhiều giải pháp và kiên trì theo đuổi các mục tiêu chiến lược đã đề ra đã giúp VNPT đạt nhiều kết quả trong năm 2019. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để trong năm 2020 VNPT khẳng định vị thế dẵn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế, tiến tới cùng Chính phủ xây dựng Quốc gia số,” đại diện VNPT chốt lại./.