Năm 2015 là một năm đầy biến động và nhiều thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng trong bối cảnh đồng USD liên tục lên giá do kỳ vọng Fed điều chỉnh tăng lãi suất và Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ kéo theo làn sóng giảm giá mạnh của các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Nhìn lại một năm tỷ giá
Ngay sau khi đưa ra mục tiêu điều hành tỷ giá tăng không quá 2% trong năm 2015, ngày 7/1/2015, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND 1%, từ mức 21.246 đồng/USD lên 21.458 đồng/USD, biên độ không thay đổi so với năm 2014 ở mức +/-1%. Tại thời điểm đó, việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang do thời điểm cận Tết nguyên đán nhu cầu ngoại tệ tăng cao.
Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng liên tục và nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại, 4 tháng sau đó, ngày 7/5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ mức 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng hết biên độ 2% cho cả năm.
Mặc dù vậy thì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn cam kết kiểm soát biên độ tỷ giá tăng không quá 2% cho dù thời điểm này đã chính thức nới hết room cho phép. Nhưng vào ngày 11/8, mọi thứ đã đảo lộn bất ngờ khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp phá giá tiền đồng bằng động tác kép, vừa nới biên độ, vừa nâng tỷ giá điều hành, đưa tỷ lệ phá giá cả năm vọt lên đến 5%. Đây là tình huống hoàn toàn nằm ngoài dự báo, được Ngân hàng Nhà nước lý giải bởi sức ép từ việc phá giá mạnh nhân dân tệ và khả năng tăng lãi suất của Fed.
Trong một động thái bất ngờ khác, sau khi Fed chính thức tăng lãi suất USD thêm 0,25%, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản kể từ ngày 18/12 các cá nhân gửi USD tại ngân hàng sẽ không được hưởng lãi suất.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định trên là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán bằng ngoại tệ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mặc dù đã phá vỡ cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% đưa ra từ đầu năm với sự chủ động và can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước qua nhiều Thông tư, chính sách, liên tục hạ lãi suất tiền gửi USD… kết quả thị trường ngoại tệ năm qua ổn định đồng thời đẩy lùi tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, chống đô la hóa…
“VND có thể giảm 4-5% so với USD năm 2016”
Bước sang năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức áp dụng cơ chế điều hành mới với tỷ giá trung tâm hàng ngày.
Như vậy, thay vì đưa ra cam kết rõ ràng về việc giữ ổn định tỷ giá như các năm trước,cơ chế điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt đã được áp dụng. Ngân hàng Nhà nước đang nhìn thấy những áp lực không nhỏ lên tỷ giá.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, động thái này là đúng đắn, hợp lý và cần thiết nhằm ứng phó với những diễn biến bất ngờ trên thị trường thế giới. Chính sách tỷ giá linh hoạt sẽ góp phần tạo dư địa để nhà điều hành duy trì mức lãi suất ổn định nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng.
Trong năm 2016, xét riêng các yếu tố trong nước, VCBS không nhìn thấy yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá. Tâm lý đầu cơ ngoại tệ thông qua nhiều biện pháp và can thiệp hợp lý của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ bị hạn chế đáng kể.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VCBS cũng đánh giá áp lực từ phía bên ngoài tiếp tục là yếu tố lớn nhất tạo nên rủi ro tỷ giá trong năm 2016, đặc biệt là đồng USD mạnh lên cùng lộ trình tăng lãi suất của Fed và khả năng đồng Nhân dân tệ tiếp tục lao dốc.
Với cách tiếp cận tương đối thận trọng đi cùng lộ trình tăng lãi suất theo hướng chậm và từ từ của Fed, báo cáo đánh giá yếu việc đồng USD mạnh lên có thể đã được thị trường chuẩn bị và phòng ngừa.
Trong một kịch bản tương đối tích cực và không có biến động lớn trên thế giới vượt ngoài tầm dự báo, VCBS kỳ vọng VND sẽ giảm giá khoảng 4%-5% so với USD trong năm 2016.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cũng đưa ra dự báo: "Với bối cảnh hiện tại, cá nhân tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 4% trong năm nay."
Còn ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.
“Với cơ chế mới về quản lý ngoại hối và các biện pháp ngăn chặn tình trạng găm giữ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố có thể thấy biến động của tỷ giá hối đoái không lớn, khoảng 5%,” ông Nghĩa dự báo.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Bà Hồng lý giải, việc cân nhắc mức độ tham chiếu các yếu tố nêu trên sẽ được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành. Việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết.
Ở một gọc cạnh nào đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc điều hành chính tiền tệ trong năm 2016 vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là điều hành làm sao để các ngân hàng thương mại cân đối được cơ cấu kỳ hạn đảm bảo hoạt động cho vay an toàn.
Thứ 2 đó là thị trường chịu tác động tâm lý nhiều trước diễn biến của kinh tế thế giới, gây khó khăn trong công tác điều hành tỷ giá. Một thách thức nữa là về lãi suất. Với tình hình thị trường tài chính hiện nay, hệ thống ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ khá lớn. Yêu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ ở mức cao trong năm 2016 sẽ áp lực lớn đến lãi suất nên việc điều hành lãi suất 2016 sẽ là thách thức lớn cho Ngân hàng Nhà nước./.