Đúng 5 giờ 13 phút, vệ tinh viễn thông VINASAT-2 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đầu tư được phóng vào quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 (của Công ty Vận tải hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace) từ bãi phóng Kouru (Guyana - Nam Mỹ), nơi đã phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 (cũng do VNPT làm chủ đầu tư và khai thác). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới theo dõi quá trình phóng vệ tinh này từ trụ sở của VNPT (Hà Nội). Thành công 5 giờ 15 phút, 2 tên lửa đẩy tách khỏi tên lửa chính. Một phút sau, tên lửa Ariane xuyên qua tầng khí quyển trái đất. 5 giờ 40 phút, vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản (trọng lượng 4,5 tấn) đặt phía trên VINASAT-2 được tách trước, đặt ở vị trí 124 độ đông. 5 giờ 49 phút, VINASAT-2 được phóng thành công lên quỹ đạo. Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự án phóng vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 là các dự án được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây là các dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế - xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. “Với kiến thức và kinh nghiệm quản lý đã có được từ VINASAT-1, tôi yêu cầu VNPT, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương đưa VINASAT-2 sớm đi vào hoạt động ổn định. Cần có các giải pháp hữu hiệu để khai thác có hiệu quả VINASAT-2 và cùng với VINASAT-1 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thông tin truyền thông quốc gia, đưa thông tin đến tất cả các vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi và hải đảo, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quốc phòng, an ninh, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai,” Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng cho rằng, việc phóng vệ tinh VINASAT-2 là một bước đi quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.”
(VINASAT-2 tại bệ phóngở Kouru. Nguồn: arianespace.com)
Được sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku vệ tinh này có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. VINASAT-2 có tổng đầu tư lên tới 260-280 triệu USD, tuổi thọ trung bình 15 năm. Theo tính toán của VNPT, chỉ khoảng 10 năm sau khi đưa vào khai thác, cũng như VINASAT-1, VINASAT-2 sẽ thu hồi vốn. Theo ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT, VINASAT-2 được phóng thành công sẽ củng cố an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, tiếp tục đáp ứng nhu cầu sử dụng dung lượng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực. Ngoài ra, sự có mặt của VINASAT-2 cũng khẳng định vị trí chủ quyền của Việt Nam trên quỹ đạo. Với VINASAT-2, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về dung lượng vệ tinh từ nay đến năm 2020. Cụ thể, VINASAT-2 có dung lượng lớn hơn VINASAT-1 khoảng 20%, khi ổn định trên quỹ đạo sẽ cùng với vệ tinh VINASAT-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro lẫn nhau giữa 2 vệ tinh. Điều này sẽ góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ cho các khách hàng. Bên cạnh đó, VINASAT -2 được phóng lên vị trí quỹ đạo 131.8 độ Đông, rất gần với vị trí của VINASAT-1 (132 độ Đông) là một thuận lợi lớn trong cung cấp dịch vụ. Bởi các antenna thu phát hướng vệ tinh VINASAT-1 có thể hoạt động với VINASAT-2 mà không cần phải chỉnh hướng. Làm chủ công nghệViệc phóng thành công VINASAT-2 đã một lần nữa khẳng định việc làm chủ không gian quỹ đạo của Việt Nam cũng như năng lực của VNPT trong việc làm chủ công nghệ viễn thông tiên tiến. Trước đó, ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế (VTI-thuộc VNPT) cho biết, đơn vị này đã làm chủ được việc quản lý và khai thác vệ tinh, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước và quốc tế. "Trong suốt hơn 4 năm qua, toàn bộ hệ thống thiết bị có liên quan của VINASAT-1 được bảo hành, bảo dưỡng và hoạt động ổn định, không có sự cố lớn nào xảy ra," ông Lâm nói.
(Trạm điều khiển vệ tinh mặt đất của VNPT. Nguồn: VNPT)
Hiện tại, 2 Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) và Bình Dương đã sẵn sàng để tiếp nhận và quản lý vệ tinh VINASAT- 2. Ông Kiều Nguyễn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Vệ tinh VINASAT chia sẻ, trong năm đầu khi VINASAT-2 đưa vào khai thác, các chuyên gia của Lockheed Martin đã cùng tham gia việc giám sát và điều khiển vệ tinh với các cán bộ kỹ thuật của VTI tại Trạm Quế Dương. Sau thời gian nói trên, toàn bộ chuyên gia kỹ thuật của Lockheed Martin đã quay trở về Mỹ và từ đó đến nay, các kỹ sư của VTI đã trực tiếp và tự thực hiện toàn bộ công việc giám sát, điều khiển và khai thác vệ tinh. Để chuẩn bị cho việc quản lý, vận hành và khai thác VINASAT-2, VTI cũng đã cử cán bộ kỹ thuật sang Mỹ để giảm sát theo dõi quá trình sản xuất vệ tinh VINASAT 2 của Lockheed Martin. Cho đến thời điểm hiện tại, trạm điều khiển trên mặt đất bao gồm ăng ten, các thiết bị, công việc đo kiểm tại nhà máy cũng như công việc đo kiểm tại trạm đã hoàn thành và sẵn sàng để tiếp nhận và điều khiển VINASAT-2. Hiện nay có một số chuyên gia nước ngoài đang ở lại trạm để hướng dẫn các kỹ sư, kỹ thuật viên cách điều khiển vệ tinh mới này. Về cơ bản, VINASAT-2 có cấu trúc và thiết kế tương đối giống so với “người anh” VINASAT-1 và cùng do Lockheed Martin sản xuất nên sẽ rất thuận lợi cho cán bộ kỹ thuật của VTI nhanh chóng tiếp cận./.
Trung Hiền (Vietnam+)