Do thời tiết không ủng hộ, người yêu thiên văn tại Hà Nội và nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không thể quan sát hiện tượng kỳ thú nguyệt thực nửa tối diễn ra vào tối nay, 28/11. Háo hức đón chờ sự kiện thiên văn diễn ra tối nay để quan sát mặt trăng, song Nguyễn Thành Lê và các bạn (sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) đã phải ngậm ngùi tiếc nuối. Thời tiết Hà Nội mấy hôm nay trở lạnh kéo theo mây mù, mưa khiến Mặt Trăng không thể "ló" ra như thông lệ. "Năm nay, có mấy hiện tượng thiên văn như mưa sao băng diễn ra, song không xem được bởi thời tiết không thuận lợi. Đến sự kiện này, những tưởng sẽ quan sát được thì ông trời lại… giở chứng," Lê tiếc rẻ. Cũng giống Lê, hai cô sinh viên trẻ Nguyễn Hoài An và Nguyễn Thị Nga (Học viện Bưu chính Viễn thông) cho hay, đây là lần đầu tiên các bạn trẻ ghi danh đi xem hiện tượng thiên văn nên rất háo hức. Thế nhưng, thật buồn là ở lần đầu tiên này họ lại không được như ý muốn. Trao đổi với phóng viên Vietnam+, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho hay, ban đầu, câu lạc bộ này định tổ chức xem nguyệt thực nửa tối cho các bạn thành viên. Song, với thời tiết như này, việc quan sát đã phải ngừng lại. Trên website của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đưa thông tin rất nhiều nơi tại Việt Nam có mưa. Thậm chí ở một số nơi như Hà Nội, phía Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa bầu trời xuất hiện nhiều mây mù.
Tình trạng thời tiết được chụp trên http://www.weather-forecast.com. (Nguồn: VACA)
Theo anh Sơn, chỉ có một phần khu vực miền Trung và một phần khu vực miền Nam Việt Nam có khả năng quan sát được hiện tượng này. “Với điều kiện thời tiết như trên, chúng tôi khuyến cáo các độc giả yêu thiên văn nên quan sát kĩ thời tiết trước khi dành thời gian quan sát hiện tượng này, đặc biệt là độc giả ở các khu vực có mây mù,” anh Sơn nói. Anh Vũ Thế Hoàng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư Hà Nội thì nói, tuy không tổ chức được cho các bạn trẻ yêu thiên văn đi quan sát hiện tượng này, song Câu lạc bộ sẽ tổ chức một buổi Hội thảo về công nghệ vũ trụ vào lúc 19 giờ tại Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tại buổi hội thảo, các thành viên trong ban chủ nhiệm sẽ giải đáp thắc mắc về các hiện tượng thiên nhiên của các bạn trẻ. Đặc biệt, Hội thảo sẽ có sự góp mặt của diễn giả Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng Nghiên cứu không gian Fspace (Đại học FPT) – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu của FPT đã thành công với vệ tinh tự chế F-1, được phóng lên vũ trụ vào ngày 21/7 vừa qua. Hiện đã có hơn 100 thành viên đăng ký tham dự và anh Hoàng hy vọng buổi hội thảo sẽ đem lại cho các bạn trẻ những thông tin bổ ích, đặc biệt là về ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam và trên thế giới./.
Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trăng đi vào nón bóng tối của Trái Đất tạo thành do ánh sáng Mặt Trời. Nguyệt thực toàn phần hay một phần là khi toàn bộ hay một phần của Mặt Trăng đi vào phần bóng tối hoàn toàn, trở nên tối và đỏ sẫm.
Nguyệt thực nửa tối là hiện tượng khi Mặt Trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối và tối lại, chuyển sang màu đỏ nhưng nhạt hơn so với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần. Đây là hiện tượng thú vị vì có thể quan sát rõ hơn về mặt của Mặt Trăng so với ngày thường.
Nguyệt thực nửa tối diễn ra tối nay sẽ kéo dài tới 4 giờ 37 phút. Tại Việt Nam, trong điều kiện thời tiết ủng hộ, khoảng thời gian lý tưởng nhất để quan sát nguyệt thực nửa tối kéo dài khoảng 1 giờ (từ 21 giờ tới 22 giờ). Thời điểm cực đại của nguyệt thực sẽ rơi vào 21 giờ 33 phút.
|
Trung Hiền (Vietnam+)