VN là một trụ cột cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN

Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch ASCC năm 2010, đã đóng góp một cách tích cực trong hoạt động của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2010), Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài viết quan trọng nhìn lại chặng đường đã qua và cùng hướng về tương lai, mà trước mắt là mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN nhan đề " Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong trụ cột cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN (ASCC)."

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết này:

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nhằm đáp ứng mục tiêu của khu vực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng đến người dân và thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho hiểu biết sâu sắc hơn, tình láng giềng thân thiện, và ý thức trách nhiệm chung.

Với mục tiêu thành lập một cộng đồng ASEAN liên kết, mạnh mẽ, tự lực, tự cường, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 tổ chức ngày 13/1/2007 tại Cebu, Philippines, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Cebu khẳng định cam kết mạnh mẽ đẩy nhanh quá trình thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Cộng đồng ASEAN sẽ bao gồm ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị và An ninh; Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Ba trụ cột này liên kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau nhằm bảo đảm hòa bình dài lâu, ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực.

Để thực hiện được mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 tổ chức ngày 1/3/2009 tại Hua Hin, Thái Lan. Như vậy, kế hoạch tổng thể ASCC được thực hiện chính thức kể từ ngày 2/3/2009.

Sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội được xem xét và đánh giá trên cơ sở việc tổ chức thực hiện và triển khai kế hoạch tổng thể ASCC. Kế hoạch này bao gồm sáu lĩnh vực trọng tâm (a) Phát triển Con người; (b) Phúc lợi và Bảo hiểm Xã hội; (c) Các Quyền và Bình đẳng Xã hội; (d) Đảm bảo Môi trường Bền vững; (e)Tạo dựng Bản sắc ASEAN; và (f) Thu hẹp Khoảng cách Phát triển.

Kế hoạch ASCC thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 bao gồm 40 cấu phần với 340 hoạt động.

Trong thời gian qua, hoạt động của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đã đạt được một số thành tựu đáng kể, như xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Cộng đồng, xây dựng lộ trình và xác định các giai đoạn ưu tiên để thực hiện các kế hoạch, xây dựng các chương trình và giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề chính thuộc lĩnh vực của cộng đồng như y tế, giáo dục, môi trường...

Một kết quả đáng chú ý trong thời gian qua, cụ thể như sau:

- Về Biến đổi Khí hậu: Trong khuôn khổ hợp tác chuyên ngành về môi trường thuộc Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, các Bộ trưởng Môi trường đã thông qua các Điều khoản tham chiếu của Sáng kiến ASEAN về Biến đổi Khí hậu (ACCI) và thành lập Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Môi trường diễn ra vào ngày 29/10/2009.

Biến đổi Khí hậu cũng được các ngành có liên quan như nông nghiệp và lâm nghiệp, năng lượng và giao thông, quản lý thiên tai, khoa học và công nghệ đặc biệt quan tâm. Công tác phối hợp với các Đối tác Đối thoại và các Tổ chức Quốc tế để giải quyết vấn đề Biến đổi Khí hậu đang được triển khai.

- Về Quản lý Thiên tai và Hỗ trợ nhân đạo: ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong điều phối công tác cứu trợ thời kỳ hậu Nargis tại Myanmar đến cuối năm 2010. Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó với tình huống khẩn cấp đã có hiệu lực kể từ ngày 24/12/2009.

Chương trình Làm việc năm năm thực thi Hiệp định này và các hoạt động có liên quan trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể ASCC cũng đã được Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai thông qua thực hiện trong giai đoạn 2010-2015. Việc thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về Cứu trợ Nhân đạo trong Quản lý thiên tai cũng đang được tiến hành.

- Về Y tế: ASEAN đã đưa vào hệ thống mạng và truyền thông về các bệnh truyền nhiễm hiện khu vực đang gặp phải, đồng thời tăng cường giám sát và chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ đại dịch. Tăng cường hệ thống phản ứng với trọng tâm là phương pháp phối hợp đa ngành, chia sẻ thông tin và tiếp cận đa quốc gia.

Hiệp định được thực hiện trên cơ sở phối hợp với tổ chức Y tế Thế giới thực hiện công tác phản ứng nhanh ASEAN và tiến hành các hành động chuẩn trong ngăn chặn, chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Công tác tư vấn cũng được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các công ty dược và các đơn vị tư nhân nhằm tăng cường tiếp cận nhanh hơn với các loại thuốc chống virus và vắcxin cúm đại dịch.

- Về Lao động: Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực và có hiệu quả ngay từ khi tham gia hoạt động này thông qua việc tổ chức các sự kiện và triển khai các quyết định của diễn đàn. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 vào năm 1998, Hội thi tay nghề lần thứ 5 năm 2004, Hội nghị mạng lưới an toàn vệ sinh lao động lần thứ 5 vào năm 2005 và Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN lần thứ 21 tổ chức tại Hà Nội ngày 24/5/2010 đã thông qua kế hoạch hành động của các Bộ trưởng Lao động giai đoạn 2010-2015.

Kế hoạch này tập trung vào việc thúc đẩy thực hiện pháp luật lao động của các nước trong khu vực, tăng cường quan hệ lao động lành mạnh, phát triển thị truờng lao động, tăng cường an toàn vệ sinh lao động, tăng cường quan hệ đối tác, phát triển nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực ASEAN.

- Về Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em và người lao động nhập cư: Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đăng cai Hội nghị Ủy ban Phụ nữ ASEAN lần thứ 7, tháng 10/2008 tại Hà Nội

Khi thực hiện vai trò là Chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban Phụ nữ ASEAN năm 2008, Việt Nam đã đề xuất xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm nâng cao năng lực các thiết chế quốc gia về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ thông qua các hoạt động tuyên truyền, hội nghị, hội thảo theo lịch của Ủy ban.

Việt Nam tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia quá trình thành lập Ủy ban quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (tham gia ý kiến trong dự thảo TOR của Nhóm công tác, tham gia đối thoại Nhóm quan chức cao cấp, tiến hành gặp gỡ và trao đổi thông tin với các đầu mối ACW tại các nước khác).

Ngoài ra, Ủy ban về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền Phụ nữ và Trẻ em ASEAN (ACWC) đã được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 vào tháng 4/ 2010 tại Hà Nội. Việc thành lập ACWC sẽ đóng vai trò là chiếc cầu nối cho hạnh phúc, sự phát triển, tăng quyền năng và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

ASEAN cũng đã bắt đầu tiến hành soạn thảo các văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động nhập cư.

Với vai trò là Chủ tịch ASCC năm 2010, Việt Nam đã đóng góp tích cực trong hoạt động của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội thông qua việc đưa ra các sáng kiến và tích cực thực hiện các cam kết trong hoạt động chuyên ngành như tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về Lao động ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng về phúc lợi xã hội ASEAN; Ủy ban phụ nữ ASEAN.

Trong nhiệm kỳ là Chủ tịch của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ ba (ASCC 3) vào ngày 7/4/2010 trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội với sự tham gia của các Bộ trưởng phụ trách Văn hóa-Xã hội của các nước ASEAN.

Tại hội nghị này, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong quá trình đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC và đưa ra phương hướng triển khai Kế hoạch Cộng đồng trong thời gian tới; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xác định các lĩnh vực ưu tiên của ASCC trong năm 2010; tổ chức lễ ra mắt ACWC và xem xét việc thông qua một số văn kiện liên quan đến hoạt động của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội như kế hoạch truyền thông của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đang xúc tiến chuẩn bị tổ chức Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội lần thứ 4 vào tháng 8/2010.

Những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội được thể hiện qua:

- Chúng ta đã cùng với các nước ASEAN đưa ra các ưu tiên nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.

Những ưu tiên này bao gồm (i) Đối phó với thách thức toàn cầu. Lĩnh vực ưu tiên này nhằm mục tiêu tăng cường sự hợp tác ASEAN trong việc đối phó với biến đổi khí hậu ở cấp toàn cầu và khu vực, thực hiện đầy đủ Thỏa thuận ASEAN về quản lý thiên tai, ứng phó khẩn cấp (AADMER) và tăng cường hợp tác ASEAN về vấn đề dịch bệnh.

(ii) Phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và phát triển. Đây là lĩnh vực ưu tiên nhằm giảm thiểu nguy cơ mất việc làm, đói nghèo và bất bình đẳng do tác động của khủng hoảng kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh về nguồn nhân lực của các nước ASEAN và tăng cường năng lực nhằm thích ứng với di chuyển lao động và tiến bộ công nghệ.

(iii) Thúc đẩy phát triển và phúc lợi xã hội cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Lĩnh vực này nhằm hướng tới việc xây dựng các chương trình và thực hiện các kế hoạch thúc đẩy phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em, lực lượng chiếm trên 50% dân số ASEAN.

- Điều phối tổ chức các sự kiện và thực hiện các cam kết: Việc thực hiện kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội cần thực hiện thông qua xây dựng ý thức tự chủ ASEAN hơn nữa trong các nước thành viên. Theo đó, các nước thành viên cần phải tích cực hơn để thực hiện các quyết định đã được đưa ra tại các diễn đàn chuyên ngành và tại hội nghị cấp cao, đảm bảo các sáng kiến ASEAN được nội hóa ở cấp quốc gia.

Chủ tịch các cơ quan chuyên môn ASEAN cần đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt các cơ quan này hoạt động hướng tới chương trình nghị sự của ASEAN. Bên cạnh đó, các nước thành viên cần tăng cường thực hiện cam kết, tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực.

Trước mắt cho giai đoạn từ nay đến năm 2015, ASEAN cần phải tăng cường chiến lược của mình thông qua một cơ chế nhằm huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực, từ cả các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN; tăng cường cơ chế giám sát.

ASEAN chỉ còn gần sáu năm (từ giờ tới năm 2015) để xây dựng Cộng đồng ASEAN. Những thách thức chính trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể bao gồm việc huy động nguồn lực, xác định ưu tiên; tính chủ động và cam kết quốc gia của các nước trong việc tổ chức thực hiện; cách phối hợp và giám sát.

Với vai trò là Chủ tịch của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN và Chủ tịch Hội nghị phúc lợi xã hội ASEAN, Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò điều phối tích cực của mình trong sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung và xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục