VN-Index tiếp tục tích lũy, sẽ mạo hiểm nếu nhà đầu tư giải ngân

Hiện, xu hướng thị trường chưa rõ ràng và nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong tuần tới. Do đó, một số nhà phân tích khuyến cáo nhà đầu tư giải ngân tại hiện tại là tương đối mạo hiểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trên sàn HoSE trong tuần, mã HAG có khối lượng giao dịch mạnh nhất, đạt 30 triệu đơn vị. Vị trí thứ hai thuộc về cổ phiếu FLC với gần 29 triệu đơn vị. Các vị trí còn lại trong top 5 thuộc về VHG, VIC, CII.

Tại sàn HNX, mã SHB tiếp tục dẫn đầu với khối lượng cổ phiếu giao dịch gần 37 triệu đơn vị. Tiếp theo là cổ phiếu SCR, khối lượng chuyển nhượng 12 triệu đơn vị và tiếp đến là PVS, VIX, KLS.

Sau diễn biến tuần này, chỉ số VN-Index đã có hai tuần tăng điểm liên tiếp và chốt ở mức 579,86 điểm, tăng 1,31%. Tuy nhiên, HNX-Index gần như đi ngang suốt tuần và chốt phiên ở mức 80,26 điểm sau khi tăng nhẹ 0,02%.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí tăng trở lại bắt nhịp cùng sự hồi phục của giá dầu thế giới, mã GAS (+4,99%), PVD (+2,56%), PXS (+4,76%).

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng lại bắt đầu phân hóa, mã  VCB (+2,66%), song BID (-4,76%), CTG (-2,99%) và hai mã STB, EIB vẫn đứng giá.

Nhóm cổ phiếu trong rổ VN-30 nhìn chung giao dịch tích cực, cụ thể VIC (+9,47%), HCM (+2,71%), NT2 (+1,53%), BVH (+3,56%).

Về thanh khoản, giao dịch bình quân trên sàn HoSE đạt 126 triệu đơn vị/phiên, tăng 14,7% so với tuần trước.

Thanh khoản trên sàn HNX trung bình đạt trên 45 triệu đơn vị/phiên và cũng tăng 15% so với tuần trước đó.

Thông tin vĩ mô được giới đầu tư quan tâm trong tuần, đó là việc Việt Nam xuất siêu 1,36 tỷ USD trong quý 1; Nợ thuế tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng đến 1.184 tỉ đồng; Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016 – 2020).

Tuần này trên HoSE, nếu không tính giao dịch bán thỏa thuận hơn 16,6 triệu đơn vị tại VIC với trị giá trên 852 tỷ đồng (12/4) thì khối ngoại mua ròng trên 489 tỷ và gần 99 tỷ đồng tại sàn HNX.

Phía sàn HoSE, tuần này mã SSI tiếp tục được các nhà đầu tư ngoại mua ròng lớn nhất, khối lượng trên 6 triệu đơn vị, sau đó là mã CII đạt 2 triệu đơn vị, các vị trí tiếp đến  là HPG, PVD, GAS.

Trái lại, họ vẫn bán ròng mạnh nhất tại mã VIC, khối lượng 17 triệu đơn vị, kế đến là mã HAG với khối lượng 2 đơn vị.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lớn nhất tại mã PVS với trên 4 triệu đơn vị, tiếp theo là mã SHS, SHB, BVS, SCR.

Chiều ngược lại, họ bán ròng lớn nhất tại mã KLS với 431.390 đơn vị, sau đó đến các mã DBC, NDN, PGS, PVE.

Nhìn chung thị trường có tuần giao dịch tích cực cả về điểm số và thanh khoản, tuy nhiên VN-Index vẫn chưa thể phá vỡ ngưỡng cản tâm lý quan trọng 580 điểm.

Trong tuần, nhiều thời điểm VN-Index vượt lên trên mốc này song sau đó bên cung lại cho thấy rất chủ động nên khiến VN-Index luôn chốt phiên dưới mốc 580 điểm.

Đánh giá chung từ giới phân tích, dòng tiền chưa có sự phân bổ và lan tỏa cần thiết, chủ yếu vẫn tập trung vào một số mã blue-chip, như VIC, VNM, VCB, GAS. Hiện, xu hướng thị trường chưa rõ ràng và nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong tuần tới. Do đó, một số nhà phân tích khuyến cáo nhà đầu tư giải ngân tại thời điểm hiện tại là tương đối mạo hiểm.


Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục