''VN-Index sẽ tăng quanh ngưỡng kháng cự 870 điểm trong ngắn hạn''

Những nhà đầu tư đã giải ngân trong đợt VN-Index quanh ngưỡng 800 điểm trước đó và đã chốt lời quanh đường trung bình 50 ngày, nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường trong tuần tiếp theo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

“Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trên ngưỡng 845 điểm, giúp cho tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn có phần tích cực. Tuy nhiên, sự bứt phá không rõ nét của chỉ số ở ngưỡng điểm này vẫn cho thấy khả năng rủi ro có thể giảm trở lại,” ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, thận trọng đưa ra những đánh giá về xu hướng thị trường trong ngắn hạn.

Đứng ngoài quan sát

Trên thị trường, VN-Index duy trì đà tăng và cộng thêm 4,04 điểm (+0,5%) sau một tuần, lên 854,78 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index tăng 6,402 điểm (+5,5%) lên 122,636 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục ở mức thấp và dưới mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.300 tỷ đồng giao dịch/phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 4,8% lên 22.556 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 7,8% xuống 1.261 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, giá trị giao dịch bên sàn HNX giảm 34,5% xuống 4.005 tỷ đồng tương ứng với khối lượng đạt 300 triệu cổ phiếu, giảm 21,6%.

Về giao dịch, phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng giá mạnh nhất với 3,1% giá trị vốn hóa, như HPG (+1%), HSG (+4%), NKG (+4,1%), DPM (+10%), DCM (+4,9%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dược phẩm và y tế với mức tăng 2,8% giá trị vốn hóa, như DHG (+3,1%), IMP (+5,3%), DCL (+7,8%)...

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng 2,8% giá trị vốn hóa với các mã VCG (+10,3%), GEX (+1,2%)... và nhóm ngành ngân hàng và công nghệ thông tin cùng tăng 1,7%, như VCB (+1,1%), CTG (+3,4%), ACB (+8,9%), SHB (+7,2%)... và FPT (+1,3%), CMG (+7,8%)...

Ở chiều ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng giảm 0,5%, tài chính và dịch vụ tiêu dùng trượt nhẹ 0,1%.

Ông Thành cho rằng thị trường chứng khoán tăng điểm trong tuần thứ ba liên tiếp song do mức tăng điểm bị thu hẹp và thanh khoản thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu tại vùng giá hiện tại có sự suy yếu rõ nét.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng Chín duy trì mức cơ bản giảm nhẹ 0,7 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang lạc quan hơn về xu hướng trong ngắn hạn.

“Dự báo, tuần giao dịch này (ngày 24-28/8), VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 870 điểm. Những nhà đầu tư đã giải ngân trong đợt VN-Index quanh ngưỡng 800 điểm trước đó và đã chốt lời quanh đường trung bình 50 ngày nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường trong tuần tiếp theo,” ông Thành nói.

VN-Index đang ở mức khá rẻ

Báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt chỉ ra tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ quanh ngưỡng 2% trong năm 2020 khi các đợt bùng phát dịch bệnh đang kéo lùi đà hồi phục kinh tế. Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển (EMDEs) nói chung đang đối mặt với ‘cơn bão lớn,’ cụ thể là gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm, giá hàng hóa lao dốc và dòng vốn đầu tư hạn chế.

Theo báo cáo này, trong nửa cuối của năm sẽ xuất hiện một số điểm sáng chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, như thặng dư thương mại sẽ đạt mức cao kỷ lục mới, đây là điểm tựa quan trọng cho sự ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang châu Âu dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ khi tỷ giá EUR/VND đang tăng cao cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Thêm vào đó, Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ sự hồi phục kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư công.

“Trong ngắn hạn, Chính phủ cần tìm sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế. Trong khi đó, nguồn lực công rất hạn chế, nhu cầu hỗ trợ kinh tế đang rất lớn, đặc biệt là việc hỗ trợ đối với các tập đoàn kinh tế quy mô lớn. Phía Ngân hàng Nhà nước, bài toán hiện tại liên quan tới việc duy trì ổn định tài chính khi rủi ro nợ xấu gia tăng và tỷ lệ nợ/GDP của Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu khu vực,” báo cáo đề cập.

Về thị trường chứng khoán, nhóm tác giả thực hiện cứu báo cáo cho rằng VN-Index đang ở mức khá rẻ so với quá khứ nhưng ở mức hợp lý nếu so sánh với các thị trường khác trong năm 2020. Và, thị trường đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 cùng với kỳ vọng năm 2021 có thể tăng mạnh.

“Chúng tôi cho rằng VN-Index có thể đóng cửa quanh mức 900 điểm tại thời điểm cuối năm nay. Rủi ro lớn nhất của thị trường hiện nay là tốc độ hồi phục của nền kinh tế trong những tháng sắp tới, khi mà đợt dịch bệnh thứ hai và việc hoãn mở cửa đường bay thương mại sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ,” đại điện nhóm phân tích cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục