VN-Index “bốc hơi” hơn 23 điểm trong tháng 10

HNX-Index tăng 0,48 điểm lên 226,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 39 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 616 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng giá, 86 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Thị trường chứng khoán khép lại tháng 10 bằng 1 phiên tăng điểm, nhưng mốc 1.300 điểm mà nhiều nhà đầu tư vào cuối tháng 9 kỳ vọng VN-Index sẽ vượt qua được trong tháng này đã không thành hiện thực.

Chốt phiên giao dịch ngày 31/10, VN-Index tăng 5,85 điểm lên 1.264,48 điểm. Tuy nhiên, tính cả tháng 10, chỉ số này đã giảm 23 điểm.

Hôm nay trên sàn HOSE có 199 mã tăng giá, 169 mã giảm giá và 67 mã đứng giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 614,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 18.053 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,48 điểm lên 226,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 39 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 616 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng giá, 86 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,08 điểm xuống 92,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 35,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 441,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 132 mã tăng giá, 125 mã giảm giá và 95 mã đứng giá.

Rổ cổ phiếu VN30 có 18 mã tăng giá, 10 mã giảm giá và 2 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất rổ VN30 là CTG (2,73%), tiếp đến là VCB tăng 2,07%; trong đó, VCB có vốn hóa lớn nhất thị trường nên có tác dụng rất tích cực lên chỉ số VN-Index. Các mã VIC, ACB, VJC, BCM tăng hơn 1%.

Có thể thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đã tạo ra động lực tăng điểm tích cực nhất lên thị trường chung.

Vừa qua, hàng loạt ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản lớn đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 rất tích cực. Đây có thể là nguyên nhân thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu 2 ngành này trên sàn chứng khoán.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) cho thấy, lãi trước thuế là 10,699 là tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, do giảm mạnh 78% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Riêng quý 3, thu nhập lãi thuần của VCB tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 13,578 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng 43% lên 1,272 tỷ đồng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG) công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với lãi trước thuế đạt 6.553 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận ngân hàng là 19.513 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Cuối tháng 9, tổng tài sản của VietinBank ở mức 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) cho thấy lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 đạt 6.498 tỷ đồng, tăng 10% so với quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL) báo lãi đột biến hơn 3.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã chứng khoán: KBC) cũng lãi gấp chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trở lại diễn biến thị trường, hôm nay khối ngoại ngược bán ròng 1.631 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 1.665 tỷ đồng. MSN là cổ phiếu khối ngoại bán mạnh nhất, với hơn 1.300 tỷ đồng. Tiếp đến, VHM và STB bị bán ròng lần lượt là 205 tỷ đồng và 71 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại mua ròng 18 tỷ đồng trên HNX và 16 tỷ đồng trên UPCOM./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục