Một Công ty thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động cuối tuần qua, với sự cam kết cung cấp thông tin tín dụng của hơn 20 ngân hàng và là đối tác chiến lược của Tập đoàn CRIF S.p.A (Italy). Trung tâm này được phát triển từ Công ty cổ phần đầu tư PCB, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, được góp bởi 11 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, gồm: ACB, ABBank, Vietinbank, BIDV, Đông Á, Techcombank, Vietcombank, SCB, VIB, Vietbank và VPBank. Bà Lê Thị Kim Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị PCB cho hay: Các ngân hàng cùng sở hữu một tỷ lệ cổ phần như nhau chia đều từ 70% vốn điều lệ, 20% thuộc đối tác chiến lược CRIF và 10% còn lại dự kiến sẽ được bán cho một một đối tác chiến lược khác. Trung tâm thông tin tín dụng tư nhân được kỳ vọng sẽ kết nối và cung cấp các thông tin tín dụng của khách hàng cá nhân và tổ chức, với độ tin cậy cao. Hoạt động này đặc biệt sẽ hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khu vực tư nhân tiếp cận với tín dụng nhanh và dễ dàng hơn. Với vai trò là đối tác chiến lược của PCB, CRIF sẽ chuyển giao toàn bộ hệ thống kỹ thuật và bí quyết kinh doanh để PCB có thể triển khai thành công ty thông tin tín dụng tư nhân đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. “Tôi hy vọng với khả năng cung cấp thông tin tín dụng tích và tiêu cực, người đi vay tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn và bản thân các ngân hàng, các định chế tài chính tại Việt Nam sẽ quản trị khách hàng tốt hơn nhằm tránh rủi ro,” ông Carlo Gherardi - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc CRIF nói. Được biết, CRIF thành lập năm 1988 và hiện đang điều hành Trung tâm thông tin tín dụng đầu tiên tại Italy, Sec, Slovakia và Hungary./.
Theo bà Lê Thị Kim Nga, Việt Nam hiện có hơn 86 triệu dân và hơn 480.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên số liệu điều tra cho biết mới có khoảng 5% dân số và 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa có giao dịch tín dụng với ngân hàng. Đây là tỷ lệ rất thấp trong khu vực. Thái Lan và Malaysia có tỷ lệ này tới 70-80% dân số.
"Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này còn do các tổ chức tín dụng thiếu thông tin tin cậy để ra quyết định cấp tín dụng cũng như quản lý rủi ro với số đông khách hàng," bà Nga nhấn mạnh. Tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho hoạt động cung cấp thông tin tín dụng tại Việt Nam là Nghị định 10/2010 của Chính phủ và Thông tư 16/2010 của Ngân hàng Nhà nước. Theo các quy định tại Nghị định 10, ở Việt Nam chỉ có thể thành lập hai trung tâm thông tin tín dụng tư nhân bên cạnh Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước. |
Anh Quân (Vietnam+)