VN chú trọng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Nhật trong khai thác, áp dụng sáng chế, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp đã tổ chức tại Hà Nội.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong hoạt động khai thác, áp dụng sáng chế và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng khai thác, áp dụng sáng chế ở Việt Nam; những cơ chế, chính sách mà Việt Nam đang áo dụng để khuyến khích hoạt động khai thác sáng chế; đồng thời giới thiệu kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và khả năng hợp tác, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Theo tiến sĩ Phùng Minh Lai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ đối với các nước phát triển, các nước đang phát triển đã lựa chọn nhiều giải pháp “đi tắt, đón đầu” như hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhập khẩu công nghệ, chuyển nhượng bản quyền công nghệ, khai thác kho sáng chế quốc gia và quốc tế để với tới công nghệ nguồn.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đang phát triển, nguồn vốn đầu tư cho cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ còn rất thiếu, khả năng nhập khẩu công nghệ còn khó khăn hơn nên việc lựa chọn giải pháp khai thác kho sáng chế quốc gia hoặc kho sáng chế quốc tế để tìm ra các bí quyết công nghệ phù hợp từ các sáng chế là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Tiến sĩ Phùng Minh Lai cũng chia sẻ, ở Việt Nam, tại Cục Sở hữu trí tuệ đang lưu trữ trên 30 triệu bản mô tả sáng chế của các nước, đó là nguồn trí thức, bí quyết công nghệ quý báu của nhân loại nhưng chưa được khai thác, nghiên cứu, áp dụng…

Hiện nay, hoạt động khai thác, áp dụng sáng chế tại Việt Nam còn rất yếu. Các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa sử dụng, chưa biết đến nguồn thông tin sáng chế, do vậy chưa biết khai thác để phục vụ hoạt động nghiên cứu-triển khai và ứng dụng và sản xuất, kinh doanh. Chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, sáng chế nói riêng của các nhà khoa học, các nhà sáng tạo cá nhân và thực tiễn.

Các doanh nghiệp chỉ mua các máy móc, thiết bị (chủ yếu từ nước ngoài) để sản xuất sản phẩm theo công nghệ kèm theo mà không quan tâm đến việc hợp tác, đặt hàng các nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà sáng tạo cá nhân hoặc khuyến khích cán bộ của mình cải tiến sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới.

Hội thảo cho rằng, để thúc đẩy hoạt động khai thác và áp dụng sáng chế, ngoài việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài, cần tạo cơ chế quản lý và khai thác tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng để đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể trong hệ thống như tác giả sáng chế, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà nước. Chuyển đổi cơ chế quản lý tài chính của các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước sang cơ chế hoạt động như quỹ phát triển khoa học công nghệ để có thể triển khai kịp thời, linh hoạt hơn.

Song song với thay đổi chế độ phân bổ ngân sách cho các tổ chức nghiên cứu để dành một tỷ lệ đáng kể nguồn tài chính cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm trí thuệ, cần khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và bảo hộ, khai thác, áp dụng sáng chế./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục