Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2025 đã chính thức khai mạc sáng nay, ngày 10/4, tại Hà Nội trong không khí sôi động, giàu sắc màu với nhiều màn biểu diễn mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế được trình diễn tại sân khấu chính.
Sự kiện sẽ kéo dài đến ngày 13/4/2025.
Trưởng ban tổ chức VITM Hà Nội 2025, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho biết VITM năm nay đặc biệt hơn cả khi tập trung vào hai yếu tố chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Ngoài ra, những màn trình diễn cá ngừ của Phú Yên, đoàn nghệ thuật văn hóa đến từ Đà Nẵng, cùng các đoàn nghệ thuật đến từ Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)… sẽ là điểm nhấn hấp dẫn cho kỳ hội chợ lần này.
“Đôi cánh” của ngành du lịch Việt
Tại khuôn khổ lễ khai mạc sự kiện, Trưởng ban tổ chức VITM nhận định, thế giới đang bước vào cuộc đua chuyển đổi số. Trong khi chuyển đổi xanh liên quan trực tiếp đến lối sống, cách sản xuất và tiêu dùng bền vững, thì chuyển đổi số tập trung vào phương thức vận hành, tổ chức và quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Chuyển đổi số giúp tăng tốc phát triển, tăng hiệu quả, mở rộng thị trường. Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số mà ngành du lịch đã đặt ra, thì không công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Du lịch không thể đứng ngoài công cuộc cách mạng số này.

Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch, lần đầu tiên, trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2025, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với VietSolutions Group thiết kế gian hàng TechZone trưng bày 20 giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm tạo nên một hành trình trải nghiệm công nghệ cho khách tham quan.
Khu vực này không chỉ giới thiệu, trình diễn mà còn có các hoạt động tương tác, giao lưu trực tiếp giữa khách tham quan với các giải pháp công nghệ, đặc biệt là màn trình diễn sử dụng robot, các ứng dụng AI. Khách tham quan hoàn toàn có thể trực tiếp trò chuyện, phỏng vấn robot ngay tại gian hàng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tổng giám đốc Vietsolutions Group, ông Lương Thanh Nam cho hay trong các ngày diễn ra hội chợ, 14 chuyên đề về ứng dụng AI, Robotic, Smart Hotel… sẽ được chia sẻ trong phần TechTalk, ngay tại gian hàng TechZone. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, 14 công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước cùng chung tay kiến tạo “Bản đồ công nghệ ngành Du lịch Việt Nam.”
"MSP Việt Nam mang tới giải pháp wifi và tiếp thị wifi. BestPrice Travel giới thiệu ứng dụng AI trong Trợ lý du lịch. Hoàn Mỹ Group và DIGICORP giới thiệu Cleaning Robot và Robot dịch vụ - tương lai của ngành F&B (Food & Beverage) và khách sạn... Ngoài ra, còn hàng chục công nghệ số hóa khác như: AI Chatbot & Chathub; AI dịch thuật đa ngôn ngữ; Ứng dụng đặt xe Buggy cho khu du lịch; IoT cho ngành du lịch & khách sạn…," ông Lương Thanh Nam cho biết.

Ban tổ chức kỳ vọng, thành công của chương trình chuyển đổi số, các ứng dụng tiêu biểu của AI, robot trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn và dịch vụ du lịch sẽ cải thiện trải nghiệm du khách và tối ưu hóa quản lý ngành. Việc mở gian hàng TechZone tại VITM 2025 sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, tiến nhanh tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Mặc dù khẳng định VITM năm nay chưa phải là hội chợ chuyên sâu về chuyển đổi số, nhưng ban tổ chức cho rằng hoạt động khởi động nhẹ nhàng như vậy sẽ giúp giới thiệu tới các doanh nghiệp và công chúng về những gì công nghệ có thể mang lại cho ngành du lịch. “Có thể bạn đã thấy những công nghệ này trên báo chí hay truyền hình, nhưng khi được tận tay trải nghiệm, cảm giác sẽ rất khác,” Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Do Việt Nam vẫn còn khoảng cách trong tiếp cận công nghệ so với thế giới, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm còn thấp, nên các chuyên gia cho rằng quá trình ứng dụng công nghệ cao không thể nóng vội.
Bởi vậy, dù chậm nhưng những người trong ngành xác định vẫn cần phải bước đi thật chắc để đến năm 2026, VITM có thể sẽ trở thành một hội chợ chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, vốn là ngành kinh tế tiên phong, mang tính sáng tạo cao.

“Chúng ta đều hiểu rằng, du lịch Việt Nam muốn phát triển mạnh mẽ sau đại dịch thì cần sự thay đổi toàn diện từ tư duy đến hành động. Và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số chính là ‘đôi cánh’ của ngành du lịch. Đây cũng là cách chúng ta cụ thể hóa những định hướng, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về phát triển bền vững,” lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
“Chấn động” từ chuyển đổi số
Hiện Việt Nam có khoảng 40.000 doanh nghiệp du lịch, trong đó hơn 17.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là thành viên của các hội, hiệp hội tại các tỉnh, thành phố. Đây là lực lượng đông đảo, nhưng cũng chính là nhóm còn khoảng cách lớn nhất với công nghệ. Vì vậy, một trong những kỳ vọng lớn nhất của ban tổ chức VITM năm nay là tạo ra một “chấn động” tích cực, tạo động lực thực sự cho các doanh nghiệp du lịch bước vào chuyển đổi số một cách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.
Bằng những cuộc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thiết thực để tìm ra những mô hình, giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, ban tổ chức VITM kỳ vọng góp phần giúp doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành công nghiệp không khói Việt Nam nói chung bứt phá trong giai đoạn mới.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự quan tâm bước đầu, một nhận thức mới, để từ đó có bước chuẩn bị kỹ càng hơn. Đến năm sau, tại VITM Hà Nội 2026 sẽ là một hội chợ mang đậm dấu ấn của chuyển đổi số, với sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp công nghệ, startup, cũng như các giải pháp ứng dụng trong vận hành, marketing, chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực du lịch,” Trưởng ban tổ chức VITM nhấn mạnh.

Kỳ vọng là vậy, nhưng năm 2025 và giai đoạn tới, những người trong ngành du lịch biết rằng họ sẽ phải đối diện không ít khó khăn. Tăng trưởng nhanh, mạnh và thuận lợi như giai đoạn trước đây là khó trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Song, “điều quan trọng là toàn ngành phải thay đổi tư duy, chủ động thích ứng. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhiều lĩnh vực khác, từ vận tải, tài chính, môi trường, đến chính sách và tâm lý xã hội. Vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực thuyết phục các doanh nghiệp rằng cần phải nhìn lại mình, phải tái cấu trúc, điều chỉnh hoạt động để phù hợp hơn, tối ưu hơn và sáng tạo hơn. Đây là một việc không hề dễ dàng. Nhưng nếu không làm, du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu, sẽ đánh mất thị phần ngay trên sân nhà,” ông Vũ Thế Bình khẳng định./.

Việt Nam phát triển du lịch xanh vừa nhanh vừa bền vững thế nào giữa "bão giá?"
Du lịch Việt Nam cần được định vị lại như một điểm đến có chất lượng, có trách nhiệm, phù hợp với xu thế toàn cầu trên hành trình chuyển đổi phát triển xanh vừa nhanh mà vẫn đảm bảo bền vững.
Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 10-13/4/2025, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội (Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), với chủ đề “Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam.”
Hội chợ năm nay có quy mô 450 gian hàng, thu hút hơn 600 doanh nghiệp, 60 cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, 8 hãng hàng không, cùng sự góp mặt của đại diện đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu