Ngày 28/3, lãnh đạo bốn nước Trung Âu thuộc nhóm Visegrad, bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia, đã tuyên bố sẽ không lo ngại trước nguy cơ bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt về tài chính, nếu nhóm này không tham gia vào việc phân bổ hàng nghìn người tị nạn đến từ Trung Đông và châu Phi.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp của nhóm Visegrad ở Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định: "Ba Lan và nhóm Visegrad sẽ không bao giờ chấp nhận những lời đe dọa như vậy, hoặc những điều kiện tương tự thế."
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho rằng đó là một hình thức "tống tiền" khi EU ràng buộc vấn đề ngân sách với chính sách nhập cư. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại so sánh dòng người di cư ồ ạt là "con ngựa thành Trojan chứa khủng bố," đồng thời bảo vệ chính sách ngăn chặn người di cư từ bên ngoài biên giới.
Lãnh đạo các nước thành viên Visegrad khẳng định họ có quyền chủ quyền để đối phó với dòng người tị nạn tràn vào châu Âu, chủ yếu do cuộc xung đột tại Syria. Áo, quốc gia không nằm trong nhóm Visegrad, cũng khẳng định sẽ tìm cách từ chối tiếp nhận người tị nạn với lý do nước này đã nhận một lượng người đáng kể trong cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu thời gian qua.
Tuần trước, đại diện phụ trách vấn đề nhập cư của EU Dimitris Avramopoulos đã cảnh báo các thành viên về việc không hỗ trợ nhằm giảm bớt áp lực đang đè nặng lên nhiều quốc gia như Hy Lạp và Italy, khiến hàng loạt thảm họa xảy ra đối với người di cư trên biển Địa Trung Hải.
Một số chính trị gia thuộc các nước Tây Âu thậm chí đã đề xuất EU cần đưa ra các biện pháp đối với những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn, trong đó có việc cắt giảm ngân sách phân bổ từ EU./.