Visa: Người tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng thanh toán số

Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng cho thấy việc sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc qua thẻ và điện thoại thông minh, mã QR đều tăng mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch.
Visa: Người tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng thanh toán số ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 28/4, Công ty thanh toán kỹ thuật số Visa đã công bố kết quả khảo sát về xu hướng thanh toán của người tiêu dùng ở Việt Nam với những thay đổi hành vi thanh toán trong đại dịch COVID-19.

Theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý 1/2021 so với quý 1/2020. Tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong giai đoạn quý 1/2021 tăng 5,5 lần so với quý 4/2020.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng đáng kể qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR. Thanh toán thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người tiêu dùng sử dụng phương thức này trong năm 2020. Thanh toán qua mã QR cũng đã tăng vọt trong đại dịch, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%).

[Visa: Thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam tăng gấp 5 lần]

Cũng theo khảo sát của Visa, người tiêu dùng Việt Nam đã áp dụng các phương thức thanh toán mới mà không cần tiếp xúc trực tiếp, cụ thể là chạm để thanh toán. Xu hướng này được khẳng định khi thanh toán không tiếp xúc bằng di động dần trở nên phổ biến, với mức tăng cao nhất trong các giao dịch thuộc lĩnh vực sức khỏe và thể thao (55%). Bên cạnh đó, có đến 88% người được khảo sát biết đến thanh toán không tiếp xúc bằng di động và 45% hiện đang sử dụng phương thức này.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, chia sẻ: “Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi người dân mong muốn những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số và các xu hướng này sẽ còn được duy trì. Sự sẵn sàng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trước thanh toán số là bằng chứng cho thấy nỗ lực đầu tư vào công nghệ mới của chúng tôi đã được đánh giá cao, cũng như sự tin tưởng vào mức độ tiện lợi và bảo mật mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.”

Cũng theo bà Đặng Tuyết Dung, sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số, với 58% người được khảo sát chia sẻ sự an toàn của thanh toán kỹ thuật số so với tiền mặt là lý do chính của sự thay đổi này và hơn một nửa (56%) cho rằng thanh toán số ít rắc rối hơn.

Trước đại dịch, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm. Số liệu thống kê từ khảo sát của Visa cũng thể hiện xu hướng này với 85% người tiêu dùng đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.

“Visa sẽ tiếp tục phổ biến những lợi ích của xã hội không tiền mặt đến người tiêu dùng Việt Nam. Kế hoạch của chúng tôi là triển khai các công nghệ thanh toán mới bằng cách tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận những phương thức thanh toán hiện đại. Việc người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng đón nhận những công nghệ mới nhất sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ trong tương lai,” bà Đặng Tuyết Dung chia sẻ thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục