VIS Rating: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều diễn biến tích cực

VIS Rating dự báo giá trị trái phiếu có rủi ro cao đáo hạn vào tháng Tư sẽ thấp hơn so với mức bình quân tháng trong năm 2023. Bên cạnh đó, giá trị phát hành mới đã cao gấp gần 3 lần so với tháng Hai.

Tổng lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 1 là 7.700 tỷ đồng, thấp hơn so với quý 1 và 4/2023. (Ảnh: Vietnam+)
Tổng lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 1 là 7.700 tỷ đồng, thấp hơn so với quý 1 và 4/2023. (Ảnh: Vietnam+)

Theo báo cáo mới nhất công bố vào tháng 4/2024 của Công ty Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước ghi nhận nhiều diễn biến tích cực trong tháng Ba nhờ triển vọng tín nhiệm cải thiện với giá trị chậm trả gốc/lãi phát sinh mới giảm đồng thời tình hình tái cơ cấu nợ và giá trị phát hành mới tăng so với tháng Hai.

Rủi ro đáo hạn giảm

Theo báo cáo, thị trường có thêm một số trái phiếu chậm trả trước đã thực hiện thanh toán cho trái chủ. Đơn cử như Công ty Hưng Thịnh Investment đã thanh toán toàn bộ dư nợ gốc trị giá 2.000 tỷ đồng cho trái chủ, giúp tỷ lệ thu hồi nợ chậm trả tăng lên 13% vào cuối tháng Ba.

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc-Chuyên gia phân tích cao cấp-VIS Rating, nhận định giá trị trái phiếu có rủi ro cao đáo hạn vào tháng Tư sẽ thấp hơn so với mức bình quân tháng trong năm 2023. Bên cạnh đó, báo cáo ghi nhận giá trị phát hành mới trong tháng Ba đã cao gấp gần 3 lần so với tháng Hai (8.800 tỷ đồng).

Thêm vào đó, thị trường chỉ có duy nhất một trái phiếu chậm trả phát sinh mới với giá trị 97 tỷ đồng thuộc Công ty Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Thủ Thiêm. Cụ thể, lô trái phiếu này được phát hành từ năm 2021 với giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng và được đảm bảo bằng một số sản phẩm bất động sản thuộc dự án của Sunshine Homes.

Ông Duy cho biết trước đó, tổ chức phát hành này vẫn thanh toán lãi đúng hạn và từng mua lại trước hạn 90% dư nợ gốc vào tháng 10/2023.

Như vậy, tổng lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 1 là 7.700 tỷ đồng và thấp hơn so với quý 1 và 4/2023.

“Chúng tôi kỳ vọng xu hướng giảm về số lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi sẽ tiếp tục trong năm 2024, nhờ vào triển vọng tín nhiệm được cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng Ba ở mức 15% và không thay đổi so với tháng Hai,” ông Duy chia sẻ.

Theo ghi nhận từ VIS Rating, hơn một nửa lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi thuộc nhóm ngành bất động sản với tỷ lệ chậm trả gốc lãi của ngành này là 30,7%.

Tái cấu trúc nợ tăng

Báo cáo cho hay thị trường có ba tổ chức phát hành thanh toán tiền gốc của trái phiếu chậm trả cho trái chủ với tổng giá trị là 2.200 tỷ đồng trong tháng Ba.

Trong số đó, Công ty Hưng Thịnh Investment đã mua lại trước hạn toàn bộ tiền gốc trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng (sau khi không trả lãi đúng hạn vào tháng 1/2024). Hai tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi còn lại thuộc nhóm ngành bất động sản là Sông Hồng Hoàng Gia và Bất động sản S-Homes đã trả nợ một phần gốc và cho biết sẽ trả phần còn lại theo từng đợt.

Theo báo cáo, tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường tăng lên 13% (tính đến cuối tháng Ba) so với mức 12% cuối tháng Hai.

gia xay dung.jpg
Trong 12 tháng tới, khoảng 20% lượng trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn với tổng giá trị là 235.000 tỷ đồng và ước tính 15% trong số này là trái phiếu có rủi ro cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản và xây dựng. (Ảnh: Vietnam+)

Về nhóm trái phiếu có rủi ro cao, ông Duy cho biết ước tính trong tháng Tư là 300 tỷ đồng. Cụ thể, thị trường có 31 mã trái phiếu đáo hạn với giá trị 23.500 tỷ đồng, trong đó 60% thuộc nhóm ngành ngân hàng.

“Chúng tôi ước tính khoảng 10% giá trị trái phiếu đáo hạn với trị giá 300 tỷ đồng có rủi ro cao chậm trả gốc/lãi. Những trái phiếu này được phát hành bởi các tổ chức phát hành có biên lợi nhuận ở mức thấp trong 3 năm gần đây (<10%) và có nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn thấp (<0,5 lần), Trong số đó, Công ty Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã nhiều lần chậm trả lãi trái phiếu trong năm 2023,” ông Duy cho hay.

Nhóm phân tích chỉ ra trong 12 tháng tới, khoảng 20% lượng trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn với tổng giá trị là 235.000 tỷ đồng và ước tính 15% trong số này là trái phiếu có rủi ro cao, tập trung chính ở các ngành bất động sản và xây dựng.

Trên thị trường, hoạt động phát hành mới đã tăng từ mức đáy trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trong tháng Ba là 8.800 tỷ đồng và chủ yếu từ nhóm ngành bất động sản dân cư với kỳ hạn ngắn từ ba năm trở xuống.

Trong số đó, khoảng 30% lượng trái phiếu phát hành đến từ Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng, là doanh nghiệp dạng công ty phục vụ mục đích đặc biệt, được thành lập vào tháng 8/2022 có vốn góp từ Vinhomes. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 10% và thấp hơn mức lãi suất 12% của trái phiếu cùng kỳ hạn của Vinhomes cũng phát hành trong tháng Ba.

Dữ liệu ghi nhận từ VIS Rating cũng cho thấy tổng lượng phát hành mới trong quý 1 là 1.800 tỷ đồng và thấp hơn nhiều so với trung bình các quý của năm 2023 (8.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn đặt kỳ vọng lượng phát hành mới sẽ tăng trong quý 2, với động lực chính từ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục