Tại Sierra Leone đã xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm virus Ebola nhưng không biểu hiện các triệu chứng điển hình.
Kết quả của một nghiên cứu mới công bố ngày 15/11 cho thấy nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm nhất khu vực Tây Phi nghiêm trọng hơn so với những đánh giá trước đây.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) cung cấp thêm bằng chứng về những người nhiễm bệnh do virus Ebola gây ra không phải lúc nào cũng có những triệu chứng thường thấy như chảy máu, buồn nôn, tiêu chảy và sốt.
Theo ông Gene Richardson, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, giống như nhiều loại virus khác, Ebola có thể tấn công một người song không cho thấy triệu chứng rõ rệt nào.
Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra 187 người dân sinh sống tại làng Suduku ở Sierra Leone, bao gồm cả nam giới, phụ nữ và trẻ em. Những người được chọn là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao do có thành viên trong gia đình mắc Ebola hoặc do sử dụng chung nhà vệ sinh với người nhiễm virus này.
Kết quả cho thấy có 14 người không có tên trong danh sách người từng mắc bệnh nhưng lại mang trong người các kháng thể chống virus Ebola, chứng tỏ họ đã từng có thời điểm nhiễm virus này. 12 người cho biết họ không có các triệu chứng nhiễm Ebola trong khi hai người từng bị sốt vào thời điểm xảy ra dịch bệnh.
Dựa trên kết quả này, các chuyên gia ước tính đã có khoảng 25% người dân làng Suduku mắc Ebola nhưng không được phát hiện do không biểu hiện triệu chứng bên ngoài.
Nghiên cứu còn cung cấp bằng chứng quan trọng cho thấy một tỷ lệ đáng kể các trường hợp bị lây nhiễm trong thời điểm dịch bệnh bùng phát đã không được phát hiện, và những trường hợp lây nhiễm từ người sang người nhiều hơn hẳn so với ước tính.
Kể từ khi bắt đầu bùng phát hồi cuối năm 2013, dịch bệnh do virus Ebola gây ra đã làm khoảng 28.000 người bị nhiễm bệnh và hơn 11.000 người thiệt mạng, chủ yếu tại các nước Guinea, Sierra Leone và Liberia./.