Vịnh Vân Phong - vùng trọng điểm phát triển kinh tế

Vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa là một thắng cảnh được đánh giá vượt xa Phuket, nơi có đủ các điều kiện tối ưu để phát triển du lịch.
Vân Phong là một trong những vịnh đẹp của tỉnh Khánh Hòa và cả Việt Nam. Do có nhiều tiềm năng, tỉnh Khánh Hòa xác định đây là vùng trọng điểm trong phát triển kinh tế, cảng biển và du lịch.

Đặc biệt, khu kinh tế Vân Phong hiện có vai trò quan trọng trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Vịnh Vân Phong, người Pháp gọi là Port Dayot (tức Bến Gối) thuộc địa phận hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; cách thành phố Nha Trang 50km, cách thành phố Tuy Hòa 35km, chạy từ chân núi Mã Cảnh đến chân phía Bắc núi Phước Hà.

Phía Tây vịnh Vân Phong (cách bờ vịnh 20-30km) là phần kéo dài của dãy Trường Sơn.

Phía Đông Nam cửa Vịnh rộng 17km thông ra biển Đông.

Phía Đông Bắc là bán đảo Hòn Gốm gồm các dãy núi nhỏ và cồn cát kéo dài. Bán đảo Hòn Gốm trải dài 27,5km có hình dáng như một cánh tay vươn ra nâng niu báu vật - đảo Hòn Lớn. Đảo Hòn Lớn nằm trong vịnh Vân Phong có chiều dài 14,2km, chiều ngang chỗ rộng nhất 6km. Diện tích của đảo khoảng 46km2.

Phía Đông Nam nằm giữa bán đảo Hòn Gốm, Hòn Lớn và đảo Cổ Cò, là dải nước hẹp có chiều rộng 200m có độ sâu trung bình 25m, thuận lợi cho việc vào ra của tàu thuyền.

Tổng diện tích khu vực vịnh Vân Phong khoảng 150.000ha; trong đó diện tích mặt nước vùng vịnh khoảng 80.000ha và diện tích đất liền khoảng 70.000ha. Khu vực này có địa hình phong phú, đặc biệt là hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu và kín gió, bờ và bãi biển, cồn cát hấp dẫn và là khu vực có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển nông ven bờ.

Trong vịnh, từ Cổ Mã đến Đầm Môn có nhiều bãi tắm và các làng đảo như Đầm Môn, Ninh Đảo, Khải Lương, Vĩnh Yên và Điệp Sơn. Trong đó lý tưởng nhất là Đầm Môn với hơn 30 bãi tắm tự nhiên đẹp như Sơn Đừng, Bãi Tây, Bãi Búa, Bãi Nhàu, Bãi Lách.

Vịnh Vân Phong được các chuyên gia của Hiệp hội Du lịch Thế giới (OMT), Chương trình Phát triển du lịch Liên hợp quốc (PNUD) và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam (IRDT) đánh giá, nơi đây có đủ các điều kiện tối ưu để phát triển du lịch.

Trong dự án VIE89/003, OMT ghi rõ: “Vịnh Vân Phong, là một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất trong khu vực châu Á và Viễn Đông, vượt xa Phuket (Thái Lan) và có thể so sánh được với bãi biển tuyệt mỹ ở Sierra Leone (châu Phi). Vịnh còn là một trong những nguồn dự trữ của ngành du lịch nghỉ ngơi nhiệt đới.” Đây là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia nổi tiếng của Việt Nam.

Tiềm năng phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đã tạo cho Vịnh Vân Phong có tiềm năng để phát triển thành khu kinh tế tổng hợp. Vân Phong là địa điểm rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa bằng đường biển, đường bộ, đường sắt và cảng hàng không quốc tế.

Ngày 25/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền khoảng 70.000ha thuộc hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Định hướng là xây dựng và phát triển khu kinh tế Vân Phong trở thành khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản, các ngành kinh tế khác và xây dựng các khu đô thị.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh tính chất khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Trong đó Cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác.

Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được một số dự án có quy mô đầu tư lớn như Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Trung tâm điện lực Vân Phong, Khu căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong, Khu đô thị mới và du thuyền cao cấp Tu Bông./.

Ngô Trọng Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục