Vĩnh Phúc: Trên 38 tỷ đồng thúc đẩy hoạt động khuyến công

Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 của Vĩnh Phúc tập trung khuyến khích, hỗ trợ về tổ chức đào tạo nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nghiệm thu đề án Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tranh kính tại cơ sở sản xuất của anh Mầu Văn Dũng, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường. (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động khuyến công trên địa bàn mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn.

Từ đó, góp phần giải quyết công việc làm cho lao động nông nhàn, từng bước xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tại Quyết định số 2372/QĐ-UBND, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phê duyệt chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đối tượng áp dụng chương trình này là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng sản xuất sạch hơn; tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.

Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 của Vĩnh Phúc tập trung khuyến khích, hỗ trợ về tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, hội nghị.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

[Vĩnh Phúc hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch]

Cùng đó, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tổng chi phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 là hơn 38,1 tỷ đồng.

Trước đó, giai đoạn 2016-2020, chương trình khuyến công của tỉnh được giao kinh phí trên 34,6 tỷ đồng. Các cơ sở được hỗ trợ hoạt động hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm lao động thủ công, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Chương trình giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định với mức lương bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Được sự hỗ trợ, tư vấn từ Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, huyện Bình Xuyên đã mạnh dạn đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng mua sắm máy móc hiện đại phục vụ chế biến, sản xuất các dòng sản phẩm mới có chất lượng với giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo mỗi năm sản suất và thu mua thêm hàng trăm tấn mật từ các cánh rừng, vùng có diện tích cây ăn quả lớn…ở các tỉnh trong nước.

Nếu như trước đây, công ty coi trọng đến việc khai thác mật và kinh doanh mật đóng chai thì nay cùng với mật ong truyền thống, công ty đưa ra thị trường hàng chục chủng loại sản phẩm có chất lượng cao, hấp dẫn về hương vị, phong phú về kiểu dáng như sữa ong chúa, phấn hoa, tảo spirulina, mật ong rừng đặc biệt, mật ong núi Tam Đảo, sản phẩm mới có sự kết hợp giữa mật ong với hoa quả là dự án mang bước phát triển đột phá.

Những năm gần đây, các sản phẩm mật ong Tam Đảo được coi là đặc sản của Vĩnh Phúc, đã có mặt ở khắp các siêu thị, khu du lịch và nhiều hội nghị.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh đang duy trì và phát triển 25 làng nghề; trong đó, có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế tác đá và chế biến nông-lâm-thủy sản, các làng nghề đã tạo việc làm trên 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Tỉnh cũng đã hình thành nhiều cụm công nghiệp, vùng sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung như cụm công nghiệp Tề Lỗ, cụm công Hợp Thịnh, cụm công nghiệp Tân Tiến..., đóng góp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến công Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 32 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ là 3 tỷ đồng.

Chương trình khuyến công của tỉnh Vĩnh Phúc còn thực hiện tổ chức 11 lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ cho 27 đơn vị xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Một số thương hiệu sau khi được đăng ký bảo hộ có xu hướng phát triển tốt như Tương Khả Do của Hội phụ nữ xã Nam Viêm, thành phố Phúc Yên; Tôn Việt Pháp của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Nam Sơn Thịnh, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên.

Hầu hết các cơ sở được hỗ trợ máy móc thiết bị đều có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất là năng suất, chất lượng sản phẩm cải thiện hơn, khắc phục ô nhiễm môi trường, giải phóng sức lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục