Vĩnh Phúc thu hút hơn 430 triệu USD vốn FDI trong 6 tháng đầu năm

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được gần 436 triệu USD vốn FDI, vượt gần 9% so với kế hoạch đề ra cả năm; trong đó, có gần 210 triệu USD vốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm điện tử.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Star Engineers Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 400 triệu USD.

Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được gần 436 triệu USD vốn FDI, vượt gần 9% so với kế hoạch đề ra cả năm; trong đó, có gần 210 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Lũy kế đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 1.300 dự án đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư; trong đó, có hơn 470 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD; hơn 840 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 143.000 tỷ đồng.

Để làm được điều đó, bên cạnh việc quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những “chìa khóa” mở cánh cửa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án lớn, trọng điểm mang tính chất đón đầu cho sự phát triển được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện.

Điển hình như Dự án đường vành đai 3 đoạn Hương Canh-Yên Lạc; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (khu vực Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; đường trục Bắc-Nam đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3; cầu Vĩnh Phú; đường Vành đai 5-Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và tỉnh Tuyên Quang...

Dự án cầu Vĩnh Phú là công trình trọng điểm có ý nghĩa với nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Gần đây nhất, vào cuối tháng 8/2023, cầu Vĩnh Phú bắc qua Sông Lô chính thức thông xe. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như tạo bước đột phá trong giao thương phát triển kinh tế-xã hội giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc-Phú Thọ.

Với việc hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng tương đối hiện đại, đồng bộ, có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với khu vực đã giúp tỉnh Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó 16 khu công nghiệp đã có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch gần 3.157ha; 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Một số khu công nghiệp đã lấp đầy 100% như Kim Hoa, Bá Thiện II, Bình Xuyên II giai đoạn 1, Bá Thiện phân khu II.

Một số khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao như khu công nghiệp Khai Quang đạt 98%, khu công nghiệp Bình Xuyên đạt 97%, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đạt 86%…

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, địa phương sẽ đầu tư thêm 5 khu công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 24 khu với tổng quỹ đất là 7.000ha, đến năm 2050 là 10.000ha.

Các dự án khu công nghiệp mới sẽ được bố trí tập trung gần các đô thị lớn, có vị trí tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, gần các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

Với tiềm năng, lợi thế cùng nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến với tỉnh.

Công ty TNHH Optrontec Vina (Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên) chuyên sản xuất linh kiện điện tử, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên mời gọi thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ; đồng thời, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư, lựa chọn, mời gọi đầu tư theo định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn để làm hạt nhân, động lực kéo theo các dự án vệ tinh, hình thành các cụm liên kết về sản xuất-chế tạo-cung ứng-dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh...

Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục