Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố cần có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm giao mặt bằng sạch cho các đầu tư triển khai thi công dự án, bảo đảm tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm.
Với những biện pháp quyết liệt này, từ tháng 6/2019 đến tháng 4/2020, Vĩnh Phúc tổ chức cưỡng chế thành công 19 dự án, với tổng diện tích 396,63 ha, tổng nguồn vốn đầu tư các dự án trên 8.450 tỷ đồng.
Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân tự giác bàn giao mặt bằng cho 82 dự án, tổng diện tích 90,695 ha.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 338 dự án, trong đó có 130 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về mặt bằng. Trong năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ tổ chức cưỡng chế 48 dự án. Trong đó, huyện Vĩnh Tường tổ chức từ 10 đến 12 cuộc cưỡng chế đối với các dự án còn tồn tại.
Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố cần có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm giao mặt bằng sạch cho các đầu tư triển khai thi công dự án, bảo đảm tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu hút FDI
Theo dự kiến của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016-2020, Vĩnh Phúc sẽ thu hút được 1,7 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI, tăng ít nhất từ 0,2 tỷ USD trở lên so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và 33.300 tỷ đồng từ dự án DDI, cao gấp đôi so với mục tiêu đề ra.
Để đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc đã hoàn thiện các nội dung trình Chính phủ phê duyệt và cho khởi công xây dựng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.
Cùng với đó, chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bình Xuyên 2 (giai đoạn 2); triển khai các nội dung về đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Lập Thạch 1, Thái Hòa, Liễn Sơn; điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Đồng Sóc, Vĩnh Tường thành khu công nghiệp; chỉ đạo các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp Bá Thiện 2, Tam Dương 2 (khu A), khu công nghiệp Bình Xuyên, Bình Xuyên 2.
[Vĩnh Phúc: Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế]
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp, đến nay, Vĩnh Phúc có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô 5.228ha, trong đó có 11 khu công nghiệp được thành lập với 12 dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, tổng diện tích 2.159ha, tổng vốn đăng ký trên 8.305 tỷ đồng và 95,1 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng bình quân đạt 65,1%.
Trong số các khu công nghiệp đi vào hoạt động, khu công nghiệp Bình Xuyên 2, giai đoạn 1 và khu công nghiệp Bá Thiện, giai đoạn 1 có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; khu công nghiệp Khai Quang đạt gần 98%; khu công nghiệp Bình Xuyên trên 92%; khu công nghiệp Bá Thiện 2 đạt 87,8%.
Trong số đó có 247 dự án đang hoạt động; 31 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 53 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án và bồi thường, giải phóng mặt bằng; 5 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động.
Khó khăn trong các dự án đô thị, nhà ở
Những năm qua, cùng với tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khung đô thị, hướng tới trở thành tỉnh công nghiệp và là thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên tốc độ đô thị hóa của Vĩnh Phúc chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Năm 2012, toàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V, với quy mô dân số đô thị 284,8 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 23%, thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Trước đây, do việc triển khai xây dựng các dự án đô thị, dự án nhà ở còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn và việc thiếu kết nối hạ tầng và ảnh hưởng của dư chấn từ suy thoái của thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2015 nên việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị ở một số dự án còn chậm.
Mặc dù Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và có nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhưng vẫn có đến 44/73 dự án đô thị, nhà ở triển khai chậm tiến độ và chưa có dự án nào hoàn chỉnh đạt 100% cả về quy mô, tiến độ theo quyết định chấp thuận đầu tư.
Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ là do nhiều dự án đã thực hiện việc thu hồi đất từ những năm 2003, 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng; nhiều vị trí trong phạm vi dự án có một số tổ chức, cá nhân đã xây dựng công trình kiên cố lấn chiếm, không phép.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nhà ở, đô thị, đầu tư, đất đai, đấu thầu...chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thường xuyên thay đổi. Trong giai đoạn 2011-2013, kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản đóng băng làm một số chủ đầu tư thua lỗ, không đủ năng lực tiếp tục đầu tư vào các dự án bất động sản.
Ngoài ra, còn do công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn chưa kiên quyết, thường xuyên. Các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo thiết kế, quy hoạch.
Để khắc phục những tồn tại trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tập trung hoàn thành quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, trong đó, xác định rõ lộ trình ưu tiên đầu tư xây dựng trung và dài hạn, tạo bước đột phá về xây dựng hạ tầng khung đô thị./.