Tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu phát triển và thâm canh rừng trồng; tăng cường diện tích rừng trồng cây gỗ lớn - sử dụng cây gỗ lớn mọc nhanh hoặc cây bản địa mọc nhanh kết hợp với phát triển lâm sản ngoài gỗ và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Cùng đó, nghiên cứu chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang phát triển cây lâm nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của Vĩnh Phúc đạt hơn 31.600ha (chiếm khoảng 26 % tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), tập trung chủ yếu tại thành phố Phúc Yên và các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo… (khoảng 48,9% diện tích đất rừng đặc dụng, 38% diện tích đất rừng sản xuất và 13,1% diện tích đất rừng phòng hộ). Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh đạt 706 ha, chủ yếu là keo lai, bạch đàn...
[Phát hiện hàng trăm cây thông cổ thụ ở rừng phòng hộ đầu nguồn bị hạ]
Hiện nay công nghệ chế biến, sử dụng gỗ rừng trồng của tỉnh còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do gỗ hầu hết được sử dụng ở dạng thô làm nguyên liệu băm dăm gỗ xuất khẩu, làm nguyên liệu gỗ bóc… do vậy hiệu quả kinh tế không cao, chưa mang lại thu nhập xứng đáng cho người trồng.
Để bảo vệ và phát triển rừng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo, đặc biệt là Quyết định quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025.
Mục tiêu chung đó là quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả những vùng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5-4,0%/năm.
Đồng thời, làm cơ sở để triển khai, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng suất rừng trồng kinh tế lên trên 100 m3/ha/chu kỳ. Cùng đó, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; phát triển trồng cây gỗ lớn, cây đặc sản, cây dược liệu.
Vĩnh Phúc thực hiện nâng độ che phủ của rừng đạt ngưỡng 25%; nâng cao năng suất, chất lượng 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất trên địa bàn tỉnh và thu hút khoảng 2.103 lao động liên tục tham gia sản xuất lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, ý thức sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng; đảm bảo khả năng về ngụy trang, bảo vệ kho tàng, thao trường, công trình quân sự phục vụ an ninh, quốc phòng.
Vĩnh Phúc đã và đang phân vùng sản xuất với vùng gỗ nguyên liệu là 1.400 ha, ở 11 xã của huyện Sông Lô, Lập Thạch; vùng gỗ lớn 11.637ha (rừng sản xuất và rừng phòng hộ); hình thành vùng sản xuất cây dược liệu 378 ha ở huyện, thị: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên. Vĩnh Phúc sẽ trồng 8.170 rừng và 1.940 ha cây phân tán; khoanh nuôi phục hồi đồi rừng ở một số địa bàn; khai thác 10.862ha, tương ứng 859.500m3 gỗ...
Tỉnh cũng xây dựng 1 vườn ươm giống cây lâm nghiệp của Trung tâm Phát triển Lâm-Nông nghiệp Vĩnh Phúc; hỗ trợ xây dựng 3 vườn ươm tại các huyện, thị: Sông Lô; Lập Thạch; Phúc Yên, đảm bảo nhu cầu giống cây lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh; xây dựng rừng giống và lựa chọn khoảng 15-:-20 loài cây để phát triển nguồn giống trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng huy động hàng trăm tủy đồng để đầu tư thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tính cả giai đoạn 2016-2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 538 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương, vốn tín dụng; vốn xã hội hội khác và các hộ đóng góp tiền của...
Đặc biệt về vấn đề môi trường tỉnh cũng đang quan tâm, Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định số 2672/QĐ-UBND ngày 29/10/2020 về phê duyệt kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020.
Với mục tiêu là huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện để ngành lâm nghiệp hoạt động đúng quy luật của nền kinh tế sản xuất hàng hóa; bảo đảm cho người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, bảo vệ phát triển rừng được chi trả giá trị của rừng do mình tạo ra, đúng giá trị của rừng đem lại cho xã hội; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng; đồng thời là cơ sở để theo dõi, cập nhật, tính toán mức thu, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng năm 2020.
Theo kế hoạch, thu tiền dịch vụ môi trường rừng thực hiện thu ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Tổng kinh phí dự kiến thu 1.709.502.000 đồng. Trong số đó, thu từ các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch 1.269.254.000 đồng; thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp 130.248.000 đồng; thu từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí 310.000.000 đồng.
Về chi tiền dịch vụ môi trường rừng thì có các đối tượng là tổ chức và cá nhân được giao, khoán bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Tổng kinh phí chi là trên 1,7 tỷ đồng; trong số đó, chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên 1,45 tỷ đồng; chi phí quản lý (10%) trên 170 triệu đồng; trích dự phòng (5%) trên 85 triệu đồng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, các ngành chức năng, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh Vĩnh Phúc có rừng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, cá nhân thực hiện chính sách chi, trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn quản lý./.