Vĩnh Phúc: Người đưa tháp gốm men Chùa Trò thành sản phẩm lưu niệm độc đáo

Không mấy người dân biết đến bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc có tên gọi Tháp gốm men Chùa Trò, cho đến khi nghệ nhân Kiều Đức Thưởng phục dựng, tái tạo thành sản phẩm văn hóa độc đáo.

Sản phẩm tháp được trưng bày, giới thiệu tới đông đảo bạn bè quốc. (Nguồn: báo Vĩnh Phúc)
Sản phẩm tháp được trưng bày, giới thiệu tới đông đảo bạn bè quốc. (Nguồn: báo Vĩnh Phúc)

Người đưa Tháp chùa Trò thành sản phẩm lưu niệm đặc trưng của tỉnh chính là ông Kiều Đức Thưởng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng và sản xuất Hải Âu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình với 3 đời làm nghề mộc truyền thống ở thôn Thủ Độ, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, ông Thưởng luôn trăn trở phải làm sao để làng nghề của quê hương ngày càng phát triển.

Trong thời gian qua, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Sở văn hóa Thể thao du lịch tỉnh, nhất là Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, ông Kiều Đức Thưởng đã chủ động nghiên cứu, đầu tư kinh phí trang bị các loại máy quét 3D hiện đại để hỗ trợ công tác thiết kế và sản xuất, phục dựng lại đầy đủ các chi tiết của tháp gốm men Chùa Trò xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, là Bảo vật Quốc gia, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháp gốm men Chùa Trò có 9 tầng, cao 1,45m, rộng đế 0,5m, lòng tháp rỗng. Tháp được làm bằng gốm, có dạng một khối hộp hình vuông, thu nhỏ dần về phía đỉnh. 4 mặt đều có cửa hình tò vò. Men phủ gồm 3 màu xanh ngọc, trắng và nâu.

Tháp có 446 tượng phật bố trí từ trên xuống dưới, mang đặc trưng của Phật giáo Thiền tông.

Trên thân tháp có rất nhiều hoa văn như tượng phật, hoa sen, lá đề, hoa cúc, bảo tháp, hoa lá dây, sừng tê giác, mây, rồng, ngọc báu, kinari (tượng đầu người mình chim)…

Tháp có niên đại thời Trần (thế kỷ XIV), là tác phẩm độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Tháng 12/2018, Tháp gốm men Chùa Trò của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia. Bản gốc hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.

thap chua tro-vinh phuc2.JPG
Công ty Hải Âu sản xuất và phục dựng lại bằng nguyên liệu gỗ trồng và gỗ quý được khuyến khích khai thác và sử dụng nhằm bảo vệ rừng tự nhiên và môi trường. (Nguồn: báo Vĩnh Phúc)

Bảo vật Tháp gốm men Chùa Trò đã được những nghệ nhân, thợ giỏi của Công ty Hải Âu tại làng nghề mộc truyền thống Thủ Độ, xã An Tường, gia công thiết kế, phục dựng và sản xuất, chạm khắc tinh xảo, tái hiện lại đầy đủ các chi tiết hoa văn.

Những phần chi tiết hoa văn đã bị mất và thất lạc trong quá trình khai quật đều đã được phục dựng lại bằng phiên bản gỗ chồng tỷ lệ 1:1 và nhiều phiên bản nhỏ hơn làm quà tặng lưu niệm rất ý nghĩa với nhiều chủng loại nguyên vật liệu khác nhau như gốm sứ kết hợp với gỗ tự nhiên và các nguyên liệu khác.

Những sản phẩm này có thể trưng bày tại những nơi trang trọng tạo điểm nhấn trong phong thủy và trang trí nội thất, vừa lan tỏa vừa tôn vinh những giá trị văn hóa, phật giáo có trong Bảo vật quý Tháp gốm Chùa Trò Vĩnh Phúc.

Đối với các cổ vật quý, bảo vật quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, người ta có nhiều cách để mến mộ, nhiều người có điều kiện kinh tế có thể săn tìm để có thể được sở hữu những sản phẩm tinh hoa cổ xưa, nhưng cũng có rất nhiều người nghiên cứu tìm tòi cả đời, không mong sở hữu, chỉ mong muốn lưu giữ cho quê hương, cho làng nghề vốn tinh hoa của các cổ vật, bảo vật, di tích.

thap chua tro-Vinh Phuc1.JPG
Sản phẩm tháp rất đa dạng, có thể làm bằng đồng, hay gốm dùng để đốt trầm, được trưng bày tại các vị trí trang trọng trong nhà, nơi làm việc. (Nguồn: báo Vĩnh Phúc)

Sau rất nhiều tìm tòi, thử nghiệm, đến nay, các bản sao Tháp gốm men Chùa Trò với nhiều kích cỡ và nguyên liệu khác nhau được sản xuất và phục dựng thành công bằng nguyên liệu gỗ như mít, gỗ sưa, gỗ xoan đào, được phủ sơn và dát vàng truyền thống. Phiên bản nhỏ hơn được làm là gỗ và sứ để làm quà tặng, đồ lưu niệm, góp phần quảng bá truyền thống văn hóa của vùng đất cổ Vĩnh Phúc.

Các phiên bản tỷ lệ 1:1 của tháp được người dân và du khách rất chú ý, được đặt trang trọng tại các trung tâm hội nghị, hội thảo, được trưng bày tại các sự kiện văn hóa lớn như lễ hội Tây Thiên, các làng văn hóa kiểu mẫu, cuộc thi Hoa hậu du lịch thế giới 2022…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục