Vĩnh Phúc ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trên địa bàn

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 442 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, trong đó một số cơ sở có biểu hiện vi phạm pháp luật như cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đòi nợ.
Vĩnh Phúc ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trên địa bàn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hoạt động cầm đồ, tín dụng đen trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh, thành phố khác trong nước đã kéo theo hàng loạt bức xúc, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, bởi mức lãi suất cao bất thường và đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” dùng vũ lực ép người vay phải trả; sự tranh giành địa bàn hoạt động giữa các băng nhóm… gây mất an ninh trật tự.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 442 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, trong đó, 340 cơ sở được cấp phép hoạt động.

Một số cơ sở khác có biểu hiện vi phạm pháp luật như cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản, móc nối với các đối tượng hình sự trong và ngoài địa bàn hoạt động phạm tội, như sử dụng hung khí nguy hiểm để đòi nợ, siết nợ, giải quyết mâu thuẫn.

Trước tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi với các hình thức cầm đồ, cầm cố tài sản, tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung đấu tranh với loại tội phạm này để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tại Thông báo số 182/TB-UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 15/8/2019 và các hội nghị chuyên đề gần đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì đã nêu bật vấn đề phức tạp của hoạt động cầm đồ, tín dụng đen.

[Tín dụng đen len lỏi vào các khu công nghiệp với hình thức tinh vi]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh…; tăng cường tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các hình thức cho vay trong các giao dịch dân sự; thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của tín dụng đen để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị, trường học, khu công nghiệp… quán triệt đến người dân chấp hành nghiêm pháp luật giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất đường lối xử lý và hướng dẫn các cơ quan tư pháp ở địa phương khởi tố, truy tố, điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen; tổ chức xét xử công khai một số vụ án trọng điểm liên quan đến tội phạm này nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục