Vĩnh Phúc: Lúa chín bị ngập nước nảy mầm tại ruộng sau mưa lũ

Phần lớn diện tích lúa đang độ chín, bông lúa bị đổ rạp xuống mặt ruộng ẩm ướt hoặc bị ngập từ 3 ngày trở lên thì có khoảng 30 % hạt (thóc) đã bị nảy mầm tại đồng ruộng.

Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc giúp bà con nhân dân xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thu hoạch lúa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TXVN)
Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy quân sự huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc giúp bà con nhân dân xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thu hoạch lúa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TXVN)

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra nhiều thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bão, lũ trên địa bàn Vĩnh Phúc đã làm 9.830ha lúa, gần 2.300ha hoa màu của người dân bị ảnh hưởng; 16.600 gia cầm, gần 70 con trâu, bò, lợn và 537 các loại gia súc khác bị chết...

Điều đáng nói là sau khi bão kết thúc, nước lũ rút xuống thì những diện tích lúa bị ngập hoặc đổ xuống ruộng nước có hạt thóc đang độ chín đã nảy mầm tại đồng ruộng.

Đi dọc các con đường tỉnh lộ, những con đường về trung tâm các huyện, đường liên xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dễ dàng nhận thấy nhiều đồng ruộng lúa bị bão, mưa lũ gây ngập và ngã rạp xuống mặt ruộng ẩm ướt. Hầu hết diện tích lúa bị đổ do bão, bị ngập nước do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang trong thời kỳ cho thu hoạch hoặc chuẩn bị cho thu hoạch.

Theo bà con nông dân, vụ lúa Hè Thu năm 2024 ở Vĩnh Phúc được gieo cấy sớm hơn so với nhiều tỉnh, thành lân cận và khu vực, do đó cây lúa Hè Thu trên địa bàn tỉnh trổ bông sớm hơn, bắt đầu từ đầu tháng 9 dương lịch trở đi, một số hộ đã bắt đầu thu hoạch lúa mùa.

Tuy nhiên, diện tích lúa chín nhiều nhất, rộ nhất lại rơi vào thời điểm gần giữa tháng 9/2024. Ở thời điểm này, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích lúa đang chín và chuẩn bị chín.

Để cứu vãn cây lúa, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, huy động các lực lượng giúp dân nhanh chóng thu hoạch lúa ngay sau khi nước lũ rút; đồng thời vận động người dân dựng các khóm lúa, buộc lại cây tránh đổ xuống mặt ruộng.

Tuy nhiên, việc gặt chạy mưa lũ, gặt sau lũ lụt, dựng buộc cây lúa cũng chỉ được trên dưới 50% tổng diện tích thiệt hại; diện tích lúa còn lại do còn xanh và thời tiết nhiều mưa, ẩm ướt nên bà con chưa thu hoạch.

Có một điểm chung là phần lớn diện tích lúa đang độ chín, bông lúa bị đổ rạp xuống mặt ruộng ẩm ướt hoặc bị ngập từ 3 ngày trở lên thì có khoảng 30% hạt (thóc) đã bị nảy mầm tại đồng ruộng. Những hạt thóc đã bị nảy mầm, chuẩn bị nảy mầm sẽ cho sản phẩm gạo kém do ẩm ướt, khi xay xát thường gạo bị vỡ vụn thành tấm và cám.

Bà Nguyễn Thị Sáu, ở thôn My Kỳ, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gần một nửa diện tích lúa Hè Thu năm 2024 của thị trấn bị đổ ngã; trong đó có khoảng 1/3 diện tích đổ ngã, ngập nước nặng, có những ruộng lúa rụng hạt và mọc mầm chiếm tới 30-50%.

Điều này có nghĩa bà con vùng bão, lũ có diện tích lúa Hè Thu bị ngập, đổ ở thị trấn Bá Hiến cũng như địa phương khác trên địa bàn tỉnh có năng suất và chất lượng đều suy giảm. Theo bà Sáu, những thiệt hại do thiên tai này cần được Nhà nước hoặc tỉnh có chính sách hỗ trợ để người dân giảm bớt thiệt hại.

Chị Nguyệt, một nông dân tại thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, cho hay, gần 50% lúa Hè Thu của xã Minh Quang sắp chín thì bão số 3 gây đổ và ngập nước.

Khi nước rút lúa vẫn còn xanh, bà con không kịp dựng và buộc cho cây đứng lên thì cây lúa sẽ thối nát, hạt lúa dù chưa chín hẳn nhưng đã nảy mầm tại ruộng tới 30%, nếu không khắc phục kịp thì thiệt hại sẽ rất nặng, có những khu ruộng phải chấp nhận mất hoàn toàn...

Trước tình hình bão lũ gây thiệt hại tới sản xuất nói chung, đặc biệt là đối với cây trồng, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo sở, ngành, địa phương đánh giá kỹ tổng thể và toàn diện, đề xuất bố trí nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cây trồng, xây dựng các công trình khẩn cấp…phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt khuyến khích nông dân quan tâm gieo trồng các cây rau, quả, đáp ứng thị trường đang thiếu hụt rau xanh, giá cả tăng vọt, nhất là nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng...

Ban bố khẩn cấp về sự cố sạt lở bờ sông Lô

Ngày 21/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650 – K0+850 đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô.

ttxvn_sat lo bo song da.jpg
(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Sông Lô và qua kiểm tra thực tế vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 20/9, phát hiện sạt, lở mạnh bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650-K0+850 đê tả Lô, thuộc địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô; cung sạt có chiều dài khoảng 200m (khu vực bãi sông này hiện có 7 hộ dân sinh sống với khoảng 44 nhân khẩu.

Trong đó, 3 hộ đã bị đổ sập công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách chân đê tả Lô khoảng 30m.

Đến 18 giờ 00 phút cùng ngày, diễn biến sạt lở tiếp tục phát triển mạnh, lan rộng (trong hơn 7 giờ, cung sạt ăn sâu vào bãi sông trên 10m), vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách nhà dân 3m và cách chân đê tả Lô khoảng 20m; có mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả Lô.

Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguyên nhân chính gây ra sự cố sạt, lở mạnh là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 mực nước sông Lô lên cao, khu vực bãi sông thuộc địa phận thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô bị ngập sâu trong nước khoảng từ (2+3)m nhiều ngày, kết hợp với địa chất bãi sông chủ yếu là đất pha cát không có độ kết dính, khi lũ rút kéo theo khối trượt ăn sâu vào bãi.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, sự cố đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả Lô có nhiệm vụ bảo vệ cho một vùng rộng lớn thuộc các huyện Sông Lô, Lập Thạch với diện tích vùng bảo vệ khoảng 14.123 ha, dân số vùng bảo vệ 164.879 người.

Bên cạnh đó, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung hiện có ngoài bãi sông. Hiện, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650-K0+850 đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô để khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo năng lực phòng lũ của tuyến đê tả Lô; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cộng đồng dân cư của vùng được bảo vệ. Kinh phí dự kiến khoảng 10 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đầu hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Trong thời gian chờ thi công, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu huyện Sông Lô cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; cảnh báo, thông báo rộng rãi về tình hình sự cố đến toàn thể nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động xử lý khi diễn biến sạt lở lan rộng, uy hiếp đến an toàn tuyến đê tả Lô.

Tỉnh cũng yêu cầu huyện lập chốt và tổ chức lực lượng thường trực 24/24h tại vị trí xảy ra sự cố cho đến khi xử lý xong.

Đồng thời, tổ chức phân luồng giao thông, tuyệt đối cấm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê và hạn chế tập trung đông người để đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ cứu hộ, cứu nạn, hộ đê khi có sự cố; phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố. Trường hợp phát hiện nguy cơ mất an toàn báo cáo ngay về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục