Vĩnh Phúc: Lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp

Riêng từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện 1.266 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai; đã lập biên bản vi phạm hành chính 852 trường hợp...
Vĩnh Phúc: Lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp ảnh 1Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến người dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bức xúc.

Riêng từ tháng 7/2019 đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện 1.266 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai; đã lập biên bản vi phạm hành chính 852 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 438 trường hợp; cưỡng chế 234 trường hợp; xử lý kỷ luật 13/13 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra 1 trường hợp.

Thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh, từ năm 2000 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện, thụ lý giải quyết 44 tin báo tố giác tội phạm liên quan đến vi phạm về đất đai; quyết định khởi tố 18 vụ án hình sự đối với 19 bị can liên quan đến đất đai.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc trực tiếp phát hiện 389 vụ việc liên quan đến vi phạm về đất đai. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 274 trường hợp, chuyển Ủy ban Nhân dân các cấp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 trường hợp.

Lực lượng chức năng cũng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân các cấp xử lý dứt điểm 2.682 vụ việc vi phạm về đất đai tồn tại từ trước và 833 vụ việc vi phạm mới phát sinh. Việc lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích được cơ quan chức năng xác định đối với đất nông nghiệp tại các vị trí hai bên quốc lộ, tỉnh lộ để sản xuất, kinh doanh; đất đồi rừng và ao hồ khu vực đang phát triển...

Theo báo cáo của thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 31/8 vừa qua, tổng số các trường hợp còn tồn tại, vi phạm đất đai trên địa bàn thành phố còn phải xử lý giải quyết dứt điểm là 797 trường hợp với gần 10,6ha.

[Vĩnh Phúc: Cưỡng chế các hộ dân vi phạm Luật Đất đai tại điểm "nóng"]

Cụ thể, vi phạm lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, các dạng vi phạm khác thời điểm trước ngày 1/7/2014 là 630 trường hợp, với diện tích vi phạm là gần 8,2ha; vi phạm lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, các dạng vi phạm khác thời điểm sau ngày 1/7/2014 là 30 trường hợp với diện tích vi phạm là 0,15ha; giao đất trái thẩm quyền là 97 trường hợp, tổng diện tích hơn 2,2ha; thu tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất là 40 trường hợp.

Xã Ngọc Thanh, thuộc thành phố Phúc Yên là địa bàn rộng và có nhiều đồi núi. Đây là nơi có tình trạng vi phạm luật đất đai rất phức tạp với cả trăm trường hợp. Để xử lý những tồn tại trên, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Phúc Yên cũng như Ủy ban Nhân dân xã Ngọc Thanh đã tổ chức nhiều hội nghị và đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân có ý thức chấp hành việc tháo dỡ các công trình xây dựng sai phạm trên đất rừng, đất nông nghiệp.

Thế nhưng, đến nay mới chỉ có một số công trình quy mô nhỏ do người dân tự nguyện chấp hành việc tháo dỡ, còn lại chủ của nhiều công trình quy mô lớn vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành. Có trường hợp còn cố tình thách thức pháp luật, tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Ông Trần Ngọc Quang, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội, được Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh, với diện tích đất được giao là 3.096m2 đất; trong đó có 400m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, ông Quang tự ý lấn chiếm thêm khoảng 1,5ha đất liền kề và tự ý thay đổi hiện trạng đất, xây dựng tường bao và nhiều công trình trái phép trên diện tích đất lấn chiếm.

Xã Ngọc Thanh đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu ông Quang dừng thi công nhưng ông thường xuyên né tránh, vắng mặt tại địa phương. Ông Trần Ngọc Quang đã xây 9 công trình trên đất không được phép xây dựng (đất hoang và đất thủy lợi), bao gồm nhà bảo vệ, nhà ở, bể chứa nước. Ông Quang cũng đang xây dựng nhà trên đất lúa, diện tích xây dựng 90,2m2 và các đất khác cả trăm mét vuông.

Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển và dịch vụ Gia Phúc, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, đã tự ý cải tạo đất, xây dựng nhiều công trình trên đất lâm nghiệp tại thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh, từ năm 2020 với diện tích cả trăm mét vuông. Các công trình vi phạm của bà Vân Anh đến nay vẫn tồn tại như thách thức chính quyền địa phương.

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản... Tháng 5/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình diễn biến trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương; triển khai các biện pháp để chấn chỉnh và tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc sử dụng đối với các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp, nhất là các loại đất rừng, đất trồng lúa, nhằm đảm bảo việc sử dụng đất đúng theo quy hoạch, tránh việc xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Vĩnh Phúc: Lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp ảnh 2Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thành phố Vĩnh Yên thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất để giao cho Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Các địa phương trong tỉnh cũng có các giải pháp, xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Vĩnh Phúc cũng gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, tổ dân phố khi trên địa bàn quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm chiếm đất đai và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sai phạm tràn lan....

Để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng, ban hành Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn.

Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2019 đến năm 2024 với các chỉ tiêu, mục tiêu hướng tới là từ năm 2019 đến năm 2021, chấm dứt các vụ việc vi phạm mới phát sinh và mỗi năm giải quyết ít nhất 20% số vụ việc vi phạm; từ năm 2022 đến năm 2023, mỗi năm giải quyết ít nhất 15% số vụ việc vi phạm.

Trước khi thực hiện Đề án, tỉnh Vĩnh Phúc đã thống kê toàn tỉnh có hơn 17.000 trường hợp vi phạm hoặc có vướng mắc về đất đai như tự ý lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép; đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất; đã sử dụng đất nhưng chưa được công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong năm 2022, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ hàng chục trường hợp lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích tại các huyện, thành phố trên địa bàn.

Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai của từng địa phương, đơn vị; tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính trong việc lấn, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực đất đai của toàn xã hội.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục