Ngày 27/9, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng."
Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng là một chuỗi các thực hành văn hóa của cộng đồng cư dân làng Bích Đại và Đồng Vệ xưa (nay là xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường) trong chu kỳ một năm, với hạt nhân tín ngưỡng là việc phụng thờ chung Thành Hoàng.
Lễ hội được tổ chức trên quy mô cấp xã, trung tâm là không gian các di tích như đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ và đình Đồng Vệ - nơi diễn ra hoạt động chính, chủ yếu của lễ hội.
Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được thực hành từ xa xưa, duy trì qua các thế hệ, nhằm củng cố tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và tưởng nhớ công đức cao dày của vị Thành hoàng là Bán thiên Đại Vương.
Theo truyền thuyết, ngài là vị tướng tài thời Hùng Vương thứ 6 đã có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược, dạy dân bách nghệ (trăm nghề) (nguồn gốc của hội trình nghề).
[Tích cực bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số]
Trải qua những thăng trầm và biến thiên lịch sử, đến nay, Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vẫn duy trì ba hội lệ truyền thống được tổ chức định kỳ là Lễ hội "trâu rơm bò rạ" (ngày 4 tháng Giêng), Lễ hội rước kiệu ngày tiệc sinh Thánh (ngày 20 tháng Giêng), Lễ hội Tiệc mừng công-Lễ rước kiệu (tháng 9 âm lịch).
Với giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân gian, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, việc đưa lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của nhân dân xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, cũng như của huyện trong những năm tới đây.
Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa lễ hội truyền thống xã Đại Đồng, không chỉ đối với các bậc tiền nhân, với tổ tiên người Việt, mà còn với nền văn hóa của nhân dân.
Phát huy vai trò và trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức, mà của cả cộng đồng, nhất là nhân dân xã Đại Đồng, những chủ thể di sản văn hóa và là người thực hành, trao truyền loại hình di sản đặc sắc này, để lễ hội truyền thống Đại Đồng luôn tỏa sáng, xứng đáng với một vùng quê anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và ngàn năm văn hiến.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đại Đồng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc triển khai tổ chức thực hiện tốt các biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đối với di sản văn hóa đã được xếp hạng một cách khoa học.
Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích, di sản; xây dựng kế hoạch khai thác những giá trị của lễ hội với việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển lĩnh vực kinh tế du lịch.../