Vài năm gần đây, một số trường cao đẳng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... đồng bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đào tạo chuyên sâu các thợ lành nghề, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp tại địa bàn mà còn phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Học sinh-sinh viên được đào tạo dài hạn tập trung sau khi tốt nghiệp tìm kiếm việc làm khá dễ dàng, mỗi năm, có cả ngàn đối tượng làm việc tại các doanh nghiệp lớn như Toyota, Honda, Piaggio, Daewoo bus Việt Nam... và thu nhập nhiều trường hợp vượt xa cán bộ công chức.
Ông Phạm Thế Vinh, Phó Phòng dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết tỉnh đã hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng cao đẳng nghề mức 400.000 đồng/người/ tháng; trung cấp nghề mức 350.000đồng/người/tháng; bổ túc văn hóa và nghề mức 350.000đồng/tháng.
Việc hỗ trợ theo thời gian thực học nhưng không quá 30 tháng đối với cao đẳng nghề, bổ túc văn hóa+nghề; không quá 20 tháng đối với trung cấp nghề. Việc hỗ trợ chi phí học nghề đã giúp nhiều thanh niên trên địa bàn có cơ hội học tập để lập nghiệp.
Ba trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, gồm Trường Cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Việt Đức, Trường Cao đẳng nghề Việt Xô, mỗi năm đào tạo trên dưới 3.000 học sinh-sinh viên học cao đẳng và trung cấp nghề.
Đây là lực lượng được các nhà tuyển dụng quan tâm nhất vì khi tốt nghiệp các học viên sẽ có tay nghề vững vàng, có khả năng làm việc độc lập và thạo việc ngay sau khi tuyển dụng.
Các nhà trường luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, giúp các học viên được tiếp cận với thiết bị, công nghệ mới. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tạo mọi điều kiện cho các học viên được thực hành nghề tại nơi sản xuất; đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu tuyển dụng, theo đơn "đặt hàng" của doanh nghiệp.
Các học viên sau khi tốt nghiệp không chỉ dễ tìm kiếm việc làm phù hợp trong nước mà còn có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài.
Hai khoa Cơ khí và Động lực của của Trường Cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp đóng tại xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, mỗi năm mỗi khoa đào tạo hàng trăm học viên. Sinh viên tốt nghiệp đến đâu, doanh nghiệp tuyển hết đến đó.
Giai đoạn 2006- 2010, riêng khoa cơ khí Trường Cao Đẳng nghề Việt Xô Số 1 mỗi năm khoa cơ khí có khoảng 300 đến 400 học sinh- sinh viên nghề hàn, lắp máy đi lao động chủ yếu tại Hàn Quốc với mức thu nhập 2.000-3.000 USD/người/tháng.
Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Vĩnh Phúc cho biết tổng số lao động được tuyển chọn đào tạo học ngoại ngữ và giáo dục định hướng đi Nhật Bản ở Vĩnh Phúc trong 10 tháng đầu năm 2013 là 156 lao động, trong đó có 70 người đã xuất cảnh theo hình thức thực tập sinh. Số lao động đi xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản đang có chiều hướng tăng lên về chất lượng, số lượng. Trung tâm phấn đấu đến năm 2014, sẽ giới thiệu trên 500 lao động đi lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tuy vậy, bên cạnh những trường nghề có uy tín, kinh nghiệp tổ chức tập trung chuyên sâu, hiện nay tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở dạy nghề yếu kém.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc có 53 cơ sở dạy nghề và trường có tổ chức thêm hoạt động dạy nghề nhưng chỉ có 36 cơ sở đủ điều kiện tuyển sinh và hiện nay có 23 cơ sở tuyển được học sinh theo học và duy trì đào tạo.
Phần lớn các cơ sở dạy nghề nêu trên được giới chuyên môn đánh giá là cơ sở vật chất yếu, đội ngũ giảng dạy trình độ chuyên môn vừa thiếu vừa yếu, có tư tưởng đào tạo theo kiểu "ăn xổi ở thì." Một số nơi tuyển dụng giáo viên trường nghề theo kiểu "vơ bèo vạt tép," trình độ đào tạo chuyên môn ban đầu không phù hợp với ngành nghề đào tạo tại trường...
Nếu không sớm thay đổi, đầu tư toàn diện để đáp ứng yêu cầu mới, các trường dạy nghề trên sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không có không có học sinh đăng ký theo học./.