Vĩnh Phúc công khai rộng rãi các đơn vị chây ỳ, chậm đóng bảo hiểm

Từ đầu năm đến nay, tình hình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp vẫn tăng cao, thời gian chậm đóng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hưởng các chế độ của người lao động.

Người dân làm thủ tục về bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa. TTXVN phát)
Người dân làm thủ tục về bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa. TTXVN phát)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường thực hiện thu hồi tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh hàng tháng cung cấp danh sách, đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm tới các thành viên ban chỉ đạo nắm được để chủ động chỉ đạo, đôn đốc, triển khai; thực hiện nghiêm quy trình đôn đốc thu, thu tiền chậm đóng theo quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và pháp luật hiện hành.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh phân tích, phân loại đơn vị chậm đóng và phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thu số tiền chậm đóng theo đúng quy định và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp người lao động.

Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan phát hiện và xử lý đối với các đơn vị cố tình chậm đóng, trốn đóng, gian lận bảo hiểm, xử phạt theo quy định. Đặc biệt, Vĩnh Phúc công khai rộng rãi trên các cơ quan báo chí đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm kéo dài.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tăng cường tuyên truyền và thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm trong cơ quan, đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc; phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội tập hợp, củng cố hồ cơ, tài liệu để xử lý các đơn vị có hành vi trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định; giải quyết dứt điểm các đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, tình hình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp vẫn tăng cao, thời gian chậm đóng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hưởng các chế độ của người lao động.

Tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh có 226 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm với số tiền chậm đóng là hơn 91,5 tỷ đồng, chiếm 1,44% trên kế hoạch thu năm 2023.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Bảo hiểm Xã hội huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hằng tuần, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị, thực hiện đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu tiền chậm đóng, không để phát sinh chậm đóng bảo hiểm; quyết liệt rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế, Sở Kế hoạch Đầu tư cung cấp.

Lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, trong đó tập trung thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm đột xuất đối với các đơn vị nợ từ ba tháng trở lên; lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý đối với đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm, kiến nghị khởi tố một số đơn vị chậm, trốn đóng bảo hiểm...

Vĩnh Phúc có hơn 1,125 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 93,94% dân số, cao hơn 0,74% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ đề ra. Tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện 3.184,8 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao và tăng 364,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, toàn tỉnh còn 255 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 91 tỷ đồng, trong đó, có 64 đơn vị phá sản, giải thể, khó thu hồi nợ đọng bảo hiểm.

Ngành Bảo hiểm Xã hội đã giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thường xuyên cho 268 người; một lần cho 6.185 người; chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 69.300 người; trợ cấp thất nghiệp cho 4.699 người; trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 42.516 người.

Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm, quản lý và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện... được thực hiện kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thân nhân người lao động theo quy định.

Trước đó, từ năm 2020-2022 dịch COVID-19 bùng phát, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hàng chục nghìn người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số những lao động được cơ quan Bảo hiểm Xã hội giải quyết hưởng bảo hiểm một lần, nhiều trường hợp tuổi đời còn rất trẻ, sau khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần lại tiếp tục đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội ở đơn vị mới. Đặc biệt có những lao động đã trên 40 tuổi, thời gian đóng bảo hiểm xã hội được 18 hoặc 19 năm nhưng vẫn đề nghị được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên tuyền bằng nhiều hình thức giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ về chính sách bảo hiểm...

Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị đối thoại với người lao động về chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội một lần; về lợi ích lâu dài của chính sách bảo hiểm xã hội; những thiệt thòi, hệ lụy khi nhận bảo hiểm xã hội một lần để người dân nắm bắt được đầy đủ thông tin cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục