Vĩnh Phúc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã cắt giảm 1.349 chỉ tiêu; tinh giản biên chế 274 trường hợp, cho thôi việc theo Nghị quyết 31/2017/NQ-HĐND tỉnh 774 trường hợp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 và được cụ thể hóa thành Chương trình hành động số 49 và 54 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay, Vĩnh Phúc đã hoàn thành 164 nhiệm vụ/185 nhiệm vụ, đạt 88,6%. Trong đó, khối Đảng, đoàn thể hoàn thành 54/55 nhiệm vụ; khối chính quyền hoàn thành 110/130 nhiệm vụ.

Toàn tỉnh đã tiến hành sáp nhập 274 thôn, tổ dân phố thành 131 thôn, tổ dân phố mới; giảm được 203 đầu mối, gồm 82 đầu mối cơ quan hành chính và 121 đầu mối đơn vị sự nghiệp.

Đến tháng 9/2019, cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp đã cắt giảm 1.349 biên chế so với năm 2015, đạt 5,9%; cấp xã giảm 137 chỉ tiêu cán bộ, công chức so với Nghị định số 92 của Chính phủ.

Toàn tỉnh tinh giản 274 biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ; giải quyết thôi việc cho 1.030 người theo Nghị quyết số 31 của Hội đồng Nhân dân tỉnh; sắp xếp, giảm 2.708 cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, đạt mục tiêu giai đoạn 2017-2020 của Đề án 01 Ban thường vụ Tỉnh ủy đề ra.

Toàn tỉnh đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc tỉnh, 210 đầu mối cấp phòng, giảm 132 cấp phó.

9/9 huyện, thành phố của tỉnh hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo cấp ủy; phòng dân tộc, phòng y tế huyện vào văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân huyện; đài truyền thanh huyện vào trung tâm văn hóa thể thao huyện; tổ chức lại các trường phổ thông, khắc phục tình trạng chồng chéo.

2/9 huyện thực hiện xong việc nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy, Chánh Thanh tra huyện. 7/9 huyện, thành phố thực hiện Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

100% cơ quan hành chính cấp tỉnh của Vĩnh Phúc và 100% cơ quan chuyên môn cấp huyện đã được quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Toàn tỉnh đã giảm 3 chi cục (Chi cục Thủy lợi, Chi cục Quản lý đất đai, Chi cục Bảo vệ môi trường); đặc biệt giảm 58 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành, đơn vị thuộc sở; cấp huyện giảm 10 phòng.

[Thủ tướng trả lời chất vấn về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ]

Toàn tỉnh giảm 106 đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục-đào tạo giảm 49 đơn vị; y tế giảm 14 đơn vị; Ban quản lý dự án các cấp giảm 16 đơn vị…).

Đặc biệt, những năm qua, Vĩnh Phúc đã thực hiện có hiệu quả việc rà soát, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức những trường hợp suy thoái, tuyển dụng, bổ nhiệm không đảm bảo tiêu chuẩn, cán bộ kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp và công khai kết quả xử lý.

Thực hiện kế hoạch của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiến hành tổng rà soát công tác cán bộ trên địa bàn từ tháng 6/2012 đến tháng 5/2019. Thông qua kiểm tra, rà soát đã thu hồi 13 trường hợp bổ nhiệm thiếu điều kiện tiêu chuẩn.

Thực hiện nghiêm chủ trương, kiên quyết điều động hoặc cho thôi việc không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi bổ nhiệm những đồng chí, nhất là người đứng đầu năng lực hạn chế, trì trệ trong giải quyết công việc, cục bộ, mất đoàn kết nội bộ, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ theo hướng quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ và bố trí cán bộ không là người địa phương, tỉnh cũng làm tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020 và xây dựng quy hoạch giai đoạn 2020-2025 theo phương châm “động” và “mở”, tạo chủ động trong công tác cán bộ.

[Tiếp tục cắt giảm 128 phòng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh]

Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy định, đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện đầy đủ, bài bản, khoa học và chặt chẽ.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 47 cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, tăng 20 người so với đầu nhiệm kỳ, trong đó, 25 cán bộ đủ tuổi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Toàn tỉnh hiện có 5/9 đơn vị có Bí thư cấp ủy cấp huyện và 4/9 đơn vị có Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện không là người địa phương.

Hiện, Vĩnh Phúc đã có một số cơ quan, đơn vị hoàn thành đạt 100% chỉ tiêu tinh giản biên chế theo kế hoạch như Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải, Liên minh Hợp tác xã…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án 01, Vĩnh Phúc còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như biên chế hiện có ở một số cơ quan, đơn vị như Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân cấp huyện...thấp, không đáp ứng yêu cầu và không được giao thêm biên chế nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế, đảm bảo đến năm 2021 đạt tối thiểu 10%;

Việc sáp nhập một số đơn vị vẫn còn mang tính cơ học, chưa có cơ sở khoa học đầy đủ, chưa có sự nghiên cứu bài bản, cụ thể về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trước khi sáp nhập với nhau.

Việc đảm bảo tỷ lệ cấp ủy viên là cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, do các quy định hiện hành về tuyển dụng công chức, viên chức và chế độ tiền lương còn thấp nên khó thu hút được nhân tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước; việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức giữa cấp huyện và cấp xã khó khăn do quy định cán bộ, công chức cấp xã để trở thành công chức cấp huyện trở lên phải thông qua sát hạch...

Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc và để hoàn thành 21 nhiệm vụ còn lại, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Đề án 01 của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 49, số 54 của Tỉnh ủy về công tác này.

Cùng với đó, ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025; chỉ đạo tốt việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác để làm cơ sở tinh giản biên chế đối với những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, gắn đào tạo, bồi dưỡng với vị trí việc làm.

Tăng cường luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển về cơ sở và luân chuyển giữa các xã, phường, thị trấn để đào tạo cán bộ và khắc phục tình trạng trì trệ, cục bộ địa phương.

Đồng thời, rà soát đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; giải thể, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục