Vĩnh Phúc: Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của lao động nữ tại nơi làm việc

Việc đối thoại với người lao động giúp công ty chăm lo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống, gắn bó nhiều hơn, đồng hành cùng công ty phát triển bền vững.
Đại diện người lao động và sử dụng lao động Công ty TNHH quốc tế Cerie Việt Nam ký biên bản hội nghị đối thoại nâng cao phúc lợi cho lao động nữ. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN0

Ngày 19/10, tại tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Cerie Việt Nam, khu công nghiệp Bình Xuyên, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị đối thoại về đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ tại nơi làm việc.

Đây là hoạt động điểm “Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai.

Ông Augustino, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Cerie Việt Nam, cho biết việc tổ chức đối thoại được công ty tổ chức hàng năm nhằm xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Nhiều quyền lợi cao hơn so với quy định của luật cho người lao động đã được công ty thực hiện và được cụ thể hóa trong thỏa ước lao động. Bởi vậy, các quyền lợi của người lao động luôn được bảo đảm, họ luôn yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp.

Việc đối thoại với người lao động giúp công ty chăm lo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống, gắn bó nhiều hơn, đồng hành cùng công ty vượt qua khó khăn, phát triển ngày càng bền vững.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Cerie Việt Nam có 100% vốn đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc), ra đời tháng 11/2018. Hiện công ty có hơn 2.200 lao động đang làm việc, lao động nữ là hơn 92%.

Qua quá trình lấy ý kiến, công đoàn công ty đã tổng hợp, đề xuất các nội dung cụ thể. Đó là: Cần bố trí khu vực để xe cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; sửa xe miễn phí cho lao động nữ; bố trí khu vực nhận đồ ăn riêng tại bữa ăn chính cho lao động nữ mang thai; bổ sung thêm giá trị các bữa ăn cho lao động nữ mang thai; giảm bớt 1 giờ làm việc mỗi ngày vẫn hưởng nguyên lương cho lao động nữ mang thai từ tháng thứ nhất.

Đồng thời không bố trí làm thêm giờ cho lao động nữ mang thai từ tháng thứ nhất; ngoài 1 giờ được giảm theo quy định của luật lao động, giảm thêm 1 giờ làm việc mỗi ngày cho lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi vẫn hưởng nguyên lương; hỗ trợ 1 triệu đồng/người/năm cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Công ty mua gói Bảo hiểm nhân thọ cho lao động nữ (hỗ trợ từ 12-20 triệu đồng tùy vào vị trí việc làm, số tiền hỗ trợ trên 30 tỷ đồng); ngoài khám sức định kỳ, công ty bổ sung khám bệnh miễn phí tầm soát ung thư 1 lần/năm cho lao động nữ.

Sau khi trao đổi, đối thoại thẳng thắn, trên tinh thần sẻ chia, đồng hành, ban lãnh đạo công ty đã thống nhất sẽ thực hiện tất cả kiến nghị của người lao động. Riêng việc mua gói Bảo hiểm nhân thọ cho lao động nữ, Công ty đồng ý hỗ trợ mua gói Bảo hiểm nhân thọ cho lao động nữ 1 năm đầu tiên, những năm tiếp theo công ty sẽ trao đổi lại với Ban lãnh đạo Tổng công ty để cân đối kinh phí thực hiện hỗ trợ người lao động.

Ông Phan Thái Hòa, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết hoạt động điểm “Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc” là hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống, việc làm cho lao động nữ, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở.

Thời gian tới, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục làm việc với Ban giám đốc để phối hợp, đồng hành, đem lại thêm những quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Hiện ở Vĩnh Phúc có hơn 120.000 nữ đoàn viên công đoàn (chiếm hơn 70%). Nhiều năm qua, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với cơ quan, đơn vị, ngành chức năng tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giới, bình đẳng giới cho lao động nữ.

Công đoàn cơ sở duy trì hiệu quả 57 phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp có đông lao động nữ.

Từ năm 2023 đến nay, các cấp Công đoàn đã trích Quỹ “Vì công nhân, lao động nghèo” thăm hỏi 97 người lao động nữ mắc bệnh hiểm nghèo với số tiền gần 400 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho 14 đoàn viên nữ có hoàn cảnh khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục