Vĩnh Phúc cân bằng giữa thu hút đầu tư với phát triển công nghiệp sạch

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hình thành 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 688ha.
Toàn cảnh nhà máy Công ty Toyota Việt Nam tại thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Làm thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường sống vẫn là bài toán khó khăn.

Phấn đấu mỗi năm thu hút 35 dự án mới vào các khu công nghiệp

Số liệu từ Ban quản lý Khu công nghiệp, dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ thu hút thêm 25 dự án FDI vào các khu công nghiệp và có 20 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 100 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI thu hút được giai đoạn 2016-2020 lên 198 dự án.

[Tháo gỡ khó khăn khi thu hút đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ vào Vĩnh Phúc]

Về thu hút đầu tư dự án DDI, dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh thu hút được 10 dự án với tổng vốn đăng ký 2.900 tỷ đồng, nâng tổng số dự án DDI thu hút được giai đoạn 2016-2020 lên 40 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp đang quản lý 368 dự án gồm 302 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD; 66 dự án DDI, tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, có 312 dự án đã đi vào hoạt động.

Xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giai đoạn 2020-2025, Vĩnh Phúc phấn đấu mỗi năm thu hút thêm khoảng 35 dự án mới, có thêm khoảng 35 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động địa phương.

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ hình thành 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 688ha.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 376ha, trong đó có 13 cụm đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng.

Thống kê của Sở Công thương cho thấy, 4 cụm công nghiệp: Yên Đồng, Tề Lỗ, thị trấn Yên Lạc và Hùng Vương-Phúc Thắng đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Tính đến hết năm 2019, các cụm công nghiệp đã thu hút 541 hộ gia đình, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị là trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ của cả nước; phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Hướng tới phát triển công nghiệp sạch

Mục tiêu của Vĩnh Phúc không chỉ là môi trường kinh doanh tốt mà còn là môi trường sống tốt. Vĩnh Phúc sẽ là địa chỉ tin cậy để những doanh nghiệp tốt, có năng suất và lợi nhuận cao đến đầu tư kinh doanh; là nơi người giàu và người giỏi đến sống, làm việc trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động xây dựng nhà xưởng trong Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Do vậy, Vĩnh Phúc rất cần những dự án công nghệ chất lượng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn.

Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư và xây dựng cơ chế tài chính minh bạch, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung ưu tiên các dự án công nghệ cao, chất lượng cao và có uy tín.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong việc tiếp cận, vận động xúc tiến đầu tư.

Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết nhanh các khó khăn, đề xuất của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Đặc biệt, mặc dù những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, nhưng quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân” luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu, xuyên suốt quá trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Theo ước tính, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay gần 190.000 tấn/năm. Trung bình mỗi ngày, tổng lượng nước thải các khu công nghiệp thải ra môi trường hơn 8.000m3.

Đến nay, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế khoảng 18.800m3/ngày đêm. Tuy nhiên, công suất thực tế hiện nay mới chỉ đạt 8.200 m3/ngày đêm.

Tại hầu hết các địa phương vẫn tồn tại những khu công nghiệp dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường, như hệ thống thoát nước; xử lý chất thải rắn công nghiệp; quan trắc môi trường…

Do vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ sản xuất công nghiệp đến môi trường, từng bước hướng tới phát triển “công nghiệp sạch"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục