Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch qua các hoạt động quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm đến du khách.

Sản phẩm gốm Hương Canh. (Nguồn: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch)
Sản phẩm gốm Hương Canh. (Nguồn: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch)

Gần 100 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu biểu, chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia Triển lãm các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn với sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023, vừa diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Những sản phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại triển lãm được lựa chọn từ nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, sản phẩm làng nghề truyền thống, ẩm thực tiêu biểu của các địa phương như sản phẩm tacumin; nấm đùi gà; thanh long ruột đỏ; trà hoa vàng Tam Đảo; trà đinh lăng, cà gai leo; mật ong Tam Đảo, mật ong hoa rừng đặc biệt; nho đen không hạt...

Triển lãm còn có sự góp mặt các sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề truyền thống trong tỉnh như hoa cây cảnh; rắn Vĩnh Sơn; dụng cụ nghề rèn Lý Nhân; sản phẩm nghề mộc Thanh Lãng; gốm Hương Canh...

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã định hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch qua các hoạt động quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp đến khách tham quan, người tiêu dùng. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị liên quan tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong việc bảo tồn, phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh hiện có 28 làng nghề với 8 nghề truyền thống, hoạt động chủ yếu trong nhóm các ngành nghề chế biến bảo quản nông, lâm sản, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát và cơ khí nhỏ; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh.

Có 8.298 cơ sở sản xuất trong làng nghề với 47 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 8.250 hộ gia đình đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát và cơ khí nhỏ có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều nhất với 4.170 cơ sở.

Các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện thu hút hơn 16.000 lao động, trong đó có 14.690 lao động thường xuyên với mức thu nhập cao và ổn định khoảng từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.

ttxvn-mat-ong-tam-dao-1546.jpg
Mật ong của Honeco Tam Đảo. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Tính đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã công nhận 186 thợ giỏi và 23 nghệ nhân cấp tỉnh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề. Các nghệ nhân, thợ giỏi sau khi được công nhận tiếp tục phát huy tay nghề, là tấm gương sáng trong hoạt động ngành nghề nông thôn nói chung và công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của từng làng nghề, từng địa phương nói riêng.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 105 sản phẩm được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng OCOP với 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao và 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, số nghề truyền thống, làng nghề có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP còn hạn chế, hiện chỉ mới có 4 sản phẩm của 4 hộ sản xuất tại làng nghề truyền thống được đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP hạng 3 sao gồm: Làng nghề rắn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường; làng nghề tương Khả Do, xã Nam Viêm, thành phố Phúc Yên; cá thính Tiên Lữ, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch và bánh hòn Hợp Thịnh, huyện Tam Dương.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu phát triển mới từ 70-80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên, phát triển nâng cấp sản phẩm để có 2-3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp Quốc gia. Trong đó, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình Xây dựng Nông thôn Mới. Đặc biệt, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái.

may-tre-vinh-phuc-9153.jpg
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 28 làng nghề với 8 nghề truyền thống. Sản phẩm gốm Hương Canh. (Nguồn: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch)

Bên cạnh hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, giai đoạn này tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương trong đó có sản phẩm mây tre đan ở Sông Lô, đồ gỗ mỹ nghệ trang trí ở Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên; cao rắn, rượu rắn ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường).

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nghề, làng nghề theo Chương trình xúc tiến thương mại và Chương trình OCOP của tỉnh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm làng nghề; xây dựng website giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể về các làng nghề trên địa bàn tỉnh làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.

Đồng thời, gắn bảo tồn và phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch; xây dựng và hình thành các tuyến, điểm du lịch làng nghề; xây dựng các điểm trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề; nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử có liên quan như đền thờ tổ nghề, các lễ hội truyền thống để tạo điểm đến cho khách du lịch thăm quan, thực hành và trải nghiệm hoạt động làm nghề truyền thống của địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục