Mặc dù triển khai nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tuy nhiên số ca mắc tại tỉnh Vĩnh Long vẫn còn ở mức cao.
Với quyết tâm khống chế, không để dịch lan rộng, tỉnh yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và nâng cao ý thức người dân trong thực hiện công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.832 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 42 trường hợp nặng và 3 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cao gấp 6,8 lần và tăng 3 trường hợp tử vong; số ổ dịch tăng gấp 7,2 lần (782/109 ổ).
Tại huyện Tam Bình, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 395 ca sốt xuất huyết, có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc xuất hiện ở 17/17 xã, thị trấn với 59 ổ dịch nhỏ.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình Bùi Thanh Tùng cho biết tình hình số ca mắc cao và tăng là do thời tiết mùa mưa kéo dài tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển.
[6 điều cần làm để phòng chống bệnh sốt xuất huyết ngay tại nơi ở]
Tại một số địa phương, ý thức phòng, chống sốt xuất huyết của người dân chưa đồng đều, hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng muỗi đốt tại nhà chưa thường xuyên, công tác xử lý ổ dịch nhỏ còn gặp khó khăn do một số hộ dân không đồng tình phun thuốc…
Ngành y tế huyện đã tích cực thực hiện công tác điều tra và xử lý ổ dịch, phối hợp với các địa phương và đoàn thể tổ chức diệt lăng quăng và phun thuốc diệt muỗi tại các xã có nguy cơ.
Địa phương tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh và xe loa di động nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân.
Qua các hoạt động đã từng bước giảm mật độ muỗi và nâng cao ý thức người dân đồng thuận cùng tham gia diệt lăng quăng, vệ sinh các khu vực xung quanh nhằm hạn chế môi trường sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Tại huyện Trà Ôn cũng đã ghi nhận 349 ca mắc sốt xuất huyết và có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc xuất hiện ở 14/14 xã, thị trấn với 146 ổ dịch.
Địa phương đã tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng ở 14/14 xã, thị trấn, phun hóa chất chủ động tại các địa phương có nguy cơ, tuy nhiên số ca mắc mới và số ổ dịch vẫn duy trì ở mức cao.
Nguyên nhân là do công tác truyền thông vận động người dân chung tay phòng, chống bệnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan như không ngủ mùng, trữ nước mưa trong lu, hủ không đậy kín nắp...
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn Trần Văn Ba, qua số liệu giám sát chỉ số bọ gậy cho thấy bệnh sốt xuất huyết có chiều tăng trong thời gian tới, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể sẽ bùng phát trên diện rộng và gia tăng số ca nặng.
Trung tâm đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện một số giải pháp như tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức người dân cùng với chính quyền phòng, chống bệnh, tham mưu xây dựng kế hoạch tiếp tục diệt lăng quăng đợt 2; đồng thời tích cực rà soát, khi có ca bệnh sẽ điều tra xử lý ổ dịch, đảm bảo công tác thu dung, điều trị theo phân tuyến của Bộ Y tế.
Quyết tâm khống chế
Với quyết tâm không để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp khống chế và nâng cao nhận thức phòng bệnh của người dân.
Theo đó, ngành y tế tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch diệt lăng quăng trong toàn tỉnh, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, đồng thời chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ cho xét nghiệm, thu dung, điều trị sốt xuất huyết.
Ngành tăng cường giám sát ở các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là hướng dẫn người dân ở gần khu vực có ổ dịch thực hiện các biện pháp dự phòng để hạn chế dịch bùng phát trên diện rộng.
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh, trong tháng 10, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm so với giai đoạn trước đó. Cụ thể, toàn tỉnh ghi nhận 419 ca với 94 ổ dịch, giảm 217 ca với 88 ổ dịch so với tháng 9.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng nhận định mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết mới có giảm so với giai đoạn đầu, tuy nhiên vẫn ở mức cao, có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân là do thời tiết còn mưa nhiều kết hợp với nước triều cường dâng cao liên tục trong nhiều ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển.
Do đó, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hệ thống giám sát bệnh tại các cơ sở y tế, thực hiện phân tầng điều trị, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất trong điều trị cũng như xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng, giảm số ca chuyển nặng và tử vong.
Ngành y tế tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế về công tác chẩn đoán, điều trị, chuẩn bị các cơ sở vật chất cho điều trị, phác đồ điều trị, đặc biệt là cập nhật kiến thức để có thể nhận biết bệnh và dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tuyến điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân cùng chung tay thực hiện các giải pháp phòng bệnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành y tế rà soát lại các cơ số thuốc, trang thiết bị để bổ sung kịp thời, đảm bảo cho địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, lưu ý các địa phương cần tập trung rà soát, đánh giá tình hình ổ dịch trên địa bàn, đề xuất các giải pháp hiệu quả xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể cùng chung tay thực hiện các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết.../.