Vĩnh Long đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân

Tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản của Vĩnh Long đạt cao ở các nhóm tuổi theo quy định của Bộ Y tế, tuy nhiên, tiến độ tiêm nhắc cho người từ 18 tuổi trở lên còn chậm khi tỷ lệ tiêm mũi 3 vẫn thấp.
Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhằm duy trì và tạo thêm miễn dịch cho người dân, chủ động phòng, chống trước những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, tỉnh Vĩnh Long tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vaccine cho người dân.

Tỉnh tập trung triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trên 3,1 triệu mũi tiêm; trong đó, người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 đạt 99,9%, tiêm mũi 2 đạt 99,8%, tiêm liều nhắc lần 1 (mũi 3) đạt 71,29%, tiêm liều nhắc lần 2 (mũi 4) đạt 99% và liều bổ sung đạt 76,7%; đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 99,9%, mũi 2 đạt 99,8%, mũi 3 đạt 72,4%; đối với trẻ từ 5 đến 11 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 98,6%, mũi 2 đạt 84,3%.

Theo đánh giá của ngành y tế, tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản của tỉnh đạt cao ở các nhóm tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tiến độ tiêm nhắc cho người từ 18 tuổi trở lên còn chậm khi tỷ lệ tiêm mũi 3 còn thấp, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, tiến độ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt để sớm đạt đủ liều cơ bản trong tháng 9/2022.

Nguyên nhân tiến độ tiêm vaccine bị ảnh hưởng là do thời gian qua có những thông tin không chính thống về tác dụng phụ của vaccine dẫn đến việc người dân từ chối tiêm mũi 3, mũi 4 và sự chủ quan của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 được khống chế.

Bên cạnh đó, giai đoạn tựu trường dẫn đến việc phụ huynh hạn chế đưa trẻ đến tiêm; tỷ lệ di biến động dân cư lớn sau đợt dịch tại nhiều địa phương, đặc biệt là nhóm công nhân, người lao động rời địa phương đến các tỉnh, thành phố khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương để làm việc cũng là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ tiêm cho nhóm 18 tuổi trở lên.

[WHO nhấn mạnh vai trò vaccine trong giai đoạn nước rút chống COVID-19]

Tại huyện Long Hồ, ngành y tế đang đôn đốc việc tổ chức tiêm các mũi vaccine cho người dân. Các trạm y tế lập danh sách người dân đã đủ điều kiện tiêm để thông báo, mời đến trạm tiêm chủng theo từng đợt.

Một số trạm y tế duy trì việc tiêm hàng ngày để người dân có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được tiêm kịp thời. Đặc biệt, các trạm y tế tích cực phối hợp với địa phương đến tận nhà tiêm vaccine cho người già, tai biến... tạo điều kiện để họ được tiêm đủ các mũi vaccine phòng COVID-19, có miễn dịch để bảo vệ sức khỏe.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm tại cơ sở, ngành y tế và các địa phương nỗ lực "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ và cùng đồng thuận thực hiện để tiêm vaccine, tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Nhờ đó đến nay tỷ lệ tiêm vaccine của huyện đạt khá với tỷ lệ tiêm liều cơ bản ở các nhóm đối tượng đều đạt trên 99%, các mũi còn lại cũng đều đạt từ trên 50% trở lên.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng trở lại. Trong vòng 30 ngày gần nhất, tỉnh ghi nhận hơn 530 ca mắc, tăng gấp 2,7 lần so với 30 ngày trước đó.

Đặc biệt, trong 14 ngày gần nhất, tỉnh ghi nhận hơn 300 ca mắc, trung bình 22 ca/ngày tại các địa phương. Hiện các cơ sở y tế đang điều trị 30 trường hợp mắc COVID-19 và theo dõi 158 trường hợp F0 tại nhà, nơi lưu trú.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng cho biết, tiêm vaccine là một trong những giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe người dân trước dịch COVID-19.

Hiện, số lượng vaccine được phân bổ về tỉnh cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêm của người dân và khả năng tổ chức tiêm tại các địa phương. Do đó, tỉnh quan tâm đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ở cơ sở.

Để công tác tiêm ngừa đúng theo tiến độ, ngành y tế thường xuyên phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ về lợi ích của vaccine, những thông tin về các liều tiêm vaccine cần phải thực hiện để có đủ kháng thể phòng bệnh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện rà soát, xác định tiêm nhu cầu vaccine trong nhân dân để đề xuất cung ứng kịp thời theo từng nhóm đối tượng, nhóm tuổi; tổ chức tốt công tác bảo quản, phân bổ vaccine về các địa phương, đảm bảo vaccine tiêm cho người dân đạt hiệu quả cao nhất.

Song song đó, ngành phối hợp các địa phương rà soát, thống kê cụ thể đối tượng cần được tiên và triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hiệu quả ở cơ sở, tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tiêm chủng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tăng cường miễn dịch cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục