Chiều 23/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương cùng dự.
Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Theo đó, kinh tế của tỉnh phục hồi tốt; GRDP năm 2022 ước tăng 8,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25%, các nhóm ngành có sự phục hồi nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30,79%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,64%; xuất khẩu 10 tháng của năm 2022 đạt trên 634 triệu USD, ước cả năm đạt 793 triệu USD, tăng 38%.
Tổng vốn đầu tư phát triển 16.218 tỷ đồng, tăng 10,5%; vốn FDI thực hiện đạt 18,7 triệu USD, tăng 9%; có 450 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 45% và 91 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp được chú trọng theo hướng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị gia tăng cao và hiệu quả.
Năm 2022 có thêm 5 xã đạt chuẩn, nâng tổng số có 67/87 xã đạt nông thôn mới, trong đó có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; nhiều chính sách xã hội được triển khai hiệu quả.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tỉnh Vĩnh Long đã chủ động theo sát tình hình, linh hoạt ứng phó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Chiến dịch tiêm vaccine được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
[Thăm “Vườn ông Sáu Dân”: Khu lưu niệm của lòng dân Vĩnh Long]
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng như: hỗ trợ xây dựng cầu Đình Khao, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xây dựng các dự án giao thông phát triển đô thị thị trấn Vũng Liêm, cầu Quới An...
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội, làm rõ tiềm năng, thế mạnh và góp ý các giải pháp để Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững; đồng thời giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗi lực và kết quả của địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19; phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Long.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, có hệ thống giao thông kết nối khá thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, là vùng đất “địa linh nhân kiệt,” có tiềm năng rất lớn nhưng địa phương chưa có bước phát triển tương xứng, chưa có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội; tăng trưởng GRDP chưa bền vững; công tác lập quy hoạch chậm; môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Vĩnh Long là tỉnh thuần nông, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chuỗi sản xuất chưa gắn với chuỗi tiêu thụ, đầu ra sản phẩm hàng hóa gặp khó, thiếu bền vững; liên kết và hợp tác kinh doanh còn hạn chế, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; tình hình tội phạm tiềm ẩn phức tạp...
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển thời gian tới, sau khi phân tích tình hình và quán triệt về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Vĩnh Long quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng, sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
“Vĩnh Long cần mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, quyết liệt, quyết đoán hơn nữa; phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tinh thần tự lực, tự cường; bám sát thực tiễn... để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh,” Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước xác định người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực của phát triển.
Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác là làm cho nhân dân được sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, công bằng, lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhà nước luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị người dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ khi đất nước có khó khăn; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Trước mắt, Vĩnh Long cần tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tập trung thực hiện tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Vĩnh Long triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến.
Cùng với đó, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị; đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm đặc thù; tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý tỉnh Vĩnh Long tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị và hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh mô hình đối tác công tư và sử dụng có hiệu quả đầu tư nhà nước để phát triển hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa cao; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh công tác quy hoạch; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Vĩnh Long quan tâm quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt quan tâm tới tình trạng sạt lở các tuyến đê; tiếp tục giải quyết hài hòa vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng của người dân về môi trường sống; tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Vĩnh Long cần tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng nhất trí xem xét để giải quyết, cơ bản đồng ý với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành; đồng thời có ý kiến trực tiếp đối với từng đề xuất, kiến nghị của tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Vĩnh Long để xem xét, giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Riêng về dự án chỉnh trang cảnh quan Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xây dựng khu tưởng niệm thành địa chỉ để tri ân, tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng; vừa là công trình văn hóa, hòa hợp với thiên nhiên, gần gũi và để mọi người dân đều được thụ hưởng.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị tận dụng tối đa, làm tốt đẹp hơn những hạng mục công trình đã có; tận dụng tối đa nguyên vật liệu có ở địa phương để xây dựng công trình; cảnh quan môi trường khu tưởng niệm phải thân thiện với môi trường; các hạng mục công trình phải là sản phẩm đặc trưng của con người, văn hóa tỉnh Vĩnh Long, cũng như Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh nghiên cứu cân đối ngân sách và vốn xã hội hóa; cố gắng hoàn thành trong năm 2023.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát một số công trình, dự án của tỉnh Vĩnh Long; kiểm tra công trường xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 khởi công tháng 2/2020, bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long tổng chiều dài 6,61km; điểm đầu nối dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Cầu được xây cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 300 m về phía thượng lưu. Hiện nay, các đơn vị đang tổ chức thi công 24/24 giờ, để đảm bảo tiến độ; dự kiến hoàn thành dự án trước kế hoạch.
Tặng quà cho công nhân tại công trường, Thủ tướng biểu dương các đơn vị thi công có sáng kiến cải tiến cách làm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, tiết kiệm nhất có thể; tránh lãng phí, tiêu cực; phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả mọi phần việc liên quan dự án; tiếp tục đảm bảo an toàn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân lao động trên công trường.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long phối hợp xây dựng đường dẫn hai bên cầu; nghiên cứu thêm mở nút giao phù hợp trên cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ để tạo không gian phát triển mới cho khu vực.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát khu vực dự kiến xây dựng cầu Đình Khao trên sông Cổ Chiên nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nhằm thay thế phà Đình Khao.
Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng cầu Đình Khao là cần thiết, giúp giải tỏa nút thắt trên Quốc lộ 57 góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh, trong đó có việc giải quyết đầu ra cho hàng hóa, nông sản, liên kết du lịch, vừa giải quyết việc làm cho người dân.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất để sớm có cây cầu với quy mô phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội lâu dài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát làng gạch gốm Mang Thít bên kênh Thầy Cai đoạn qua xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít. Đây là làng gạch gốm nổi tiếng lâu đời, có thời điểm tại đây có hàng trăm lò gốm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều lò gốm không còn hoạt động, bị phá bỏ.
Thăm các gia đình đang sản xuất gạch gốm, chứng kiến các lò gạch gốm còn đang hoạt động và dừng hoạt động, Thủ tướng đề nghị tỉnh Vĩnh Long và huyện Mang Thít nghiên cứu, vận động bà con cải tiến sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân song phải giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng yêu cầu địa phương cần coi đây là di sản cần giữ gìn; xây dựng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bảo đảm cảnh quan, đưa khu vực này thành sản phẩm du lịch, vì mỗi lò gốm này như một công trình kiến trúc, cả quần thể lò gốm là quần thể kiến trúc độc đáo./.