Chiều 28/11 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" nhằm tôn vinh 400 cá nhân tiêu biểu.
Chương trình là hoạt động nhằm hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32), đánh dấu một mốc quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Tuy còn nhiều khó khăn song tỷ lệ ngân sách đảm bảo các chính sách an sinh xã hội ngày càng tăng, hiện đã tới hơn trên 35.000 tỷ đồng. Thực hiện lời kêu gọi cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau, các chương trình, phong trào vận động đã được phát động sôi nổi trong cả nước, huy động cả xã hội chung tay chăm sóc những người yếu thế.”
Trong số 400 đại biểu tới dự lễ tuyên dương có 197 người là nữ, 20 đại biểu là cá nhân, doanh nghiệp đóng góp lớn, 300 đại biểu là những người dân không giữ một chức vụ nào, đang sinh sống trên khắp mọi miền đất nước.
"Đó có thể là những thầy cô miệt mài dạy chữ, nhân viên y tế sát cách bên những bệnh nhân nghèo, người miệt mài với chuyến xe cứu thương miễn phí trong đêm đông, người cho đi từng giọt máu mang lại niềm hi vọng cho người bệnh... Đây là cuộc gặp gỡ của hàng trăm câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã điểm lại những tấm gương là những người quản trang nhiều năm trông coi nghĩa trang liệt sỹ, những người hàng chục năm chỉ lặng lẽ vớt rác trên sông, bảo vệ môi trường, những hiệp sỹ bắt cướp giữa đời thường...
Bộ trưởng kể tên bà Nguyễn Thị Hồng, người đã hiến nhà đất, tài sản chăm sóc nhiều người già không nơi nương tựa; bác sỹ Nguyễn Thị Xuân chăm lo cho những người bệnh phong, thậm chí cả việc nấu ăn, tắm rửa, cõng bệnh nhân; người mẹ nhiễm HIV từ chồng khi đang mang thai con nhỏ, vẫn nỗ lực chiến đấu, mở xưởng may làm nơi cưu mang hơn 20 người phụ nữ cũng bị nhiễm HIV khác; người đàn ông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 100 trẻ mồ côi, được bọn trẻ gọi là "ông Bụt"…
[Thủ tướng gặp mặt 'những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng']
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, những người vẫn thầm lặng giúp đỡ cộng đồng đó chưa một lần được khen thưởng: "Các cô các chú tham dự chương trình này là những bông hoa đẹp của tinh thần nhân ái của dân tộc, giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những người yếu thế. Đây là lời động viên cho những hành trình thiện lương trong cuộc đời.”
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc tôn vinh, biểu dương những tấm gương đẹp đóng góp cho cộng đồng cũng như những cán bộ đóng góp cho công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và hàng triệu người vẫn đang thầm lặng, hàng ngày phục vụ cộng đồng là điều cần thiết.
Trong buổi lễ, ban tổ chức đã tuyên dương nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong công tác an sinh, phúc lợi xã hội cũng được vinh danh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và vợ chồng ông Lê Văn Kiểm, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, bà Trần Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành. Vợ chồng doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm đã đóng góp 1.300 tỷ cho các hoạt động công tác xã hội.
Cũng tại lễ tuyên dương, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự xúc động, sự tri ân, khâm phục với 400 tấm gương được tôn vinh tại buổi lễ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Nhắc lại bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, bão lũ kinh hoàng với miền Trung vừa qua, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua thử thách, lòng tốt và tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên.
Ghi nhận sáng kiến tốt đẹp của Bộ Lao động trong thực hiện hoạt động phát triển nghề công tác xã hội, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung chăm lo các đối tượng là người có công, trẻ em, nguời cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 6,4 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em nghèo, các hộ nghèo và người yếu thế khác...
Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu có chính sách, giải pháp để đảm bảo người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã hội, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Phó Chủ tịch nước mong tiếp tục lan tỏa những tấm gương này trong xã hội để tạo nên tinh thần đoàn kết đã có truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam./.