Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 30 trưa nay, ngày 3/3 tại nhà riêng ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Xẩm là một loại hình ca nhạc rất phổ biến ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, có mặt trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng từ chốn đình chùa đến nơi kẻ chợ. Những người hát xẩm là những nghệ sỹ của lớp người bình dân trong xã hội. Họ có thể đi theo các gánh hát và biểu diễn ở các nơi sinh hoạt cộng đồng như ngõ chợ, bến sông... Cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng không nằm ngoài vòng quay chung ấy. Ca nương Thu Sợi, người được coi là “truyền nhân” của cụ Cầu ở mảnh đất Yên Mô, Ninh Bình chia sẻ rằng lúc sinh thời, cụ vẫn thường kể lại những câu chuyện trong kiếp đời hát rong lang bạt nhiều nơi của mình. Cụ bảo bà nội, vốn nức tiếng về ca xẩm vùng Ý Yên hồi đầu thế kỷ XX, là người đã truyền cho cụ tình yêu với xẩm. “Ta đi hát xẩm và gặp ông trùm Mậu, trưởng sáu gánh hát ở đất Ninh Bình. Khi đó, ông ấy đã 49 tuổi, còn ta đang thì con gái, nhan sắc cũng chẳng kém ai. Ấy vậy mà không hiểu sao, ta lại đồng ý lấy ông và trở thành người phụ nữ thứ 18 trong cuộc đời ông,” ca nương nhớ lại lời cụ Cầu kể lúc sinh thời. Bà Cầu lấy chồng năm 16 tuổi. Từ đó, bà Cầu theo chồng đi hát rong khắp đất nước. Trên khắp các ngả đường như vậy, bà lần lượt sinh bảy người con. Và cũng trên những ngả đường mưu sinh đầy nhọc nhằn ấy, bốn trong số bảy người con của cụ đã bỏ cha mẹ mà đi vì bệnh đậu mùa. “Cụ vẫn luôn nói, cụ thèm được đi như ngày xưa lắm. Giờ già yếu rồi, không đi được, trong người vẫn thường thấy day dứt không yên, như có một nỗi niềm tâm sự sâu kín mà không thể giải tỏa được. Nhưng giờ, ước vọng của cụ đã không thể thực hiện được nữa rồi!” ca nương Thu Sợi nghẹn ngào nói. Chồng qua đời trong lúc cụ vẫn đang mang thai đứa con thứ bảy. Cụ trở thành góa phụ khi mới 38 tuổi. Mang tiếng “xướng ca vô loài” trong cuộc đòi xuôi ngược, chật vật sinh nở đứa con gái út xong, cụ Cầu tiếp tục một thân một mình ôm ba đứa con rong ruổi khắp các miền quê, sinh nhai bằng giọng hát. Do quá nghèo túng, bà Cầu đành dứt ruột cho đi người con út bé bỏng với hy vọng đứa trẻ sẽ được người ta yêu thương, có cuộc sống tốt hơn. Rồi, người phụ nữ khốn khổ ấy tiếp tục khăn gói gió đưa trôi dạt bốn phương trời, tài sản cũng chẳng có gì ngoài cây nhị, chiếc nồi cơm móp mép và manh chiếu rách cho tới khi trụ lại ở cái làng quê nghèo nàn của huyện Yên Mô đến tận bây giờ. Một đời phiêu bạt, mưu sinh bằng giọng hát, cây nhị là thứ được cụ coi như “báu vật” của đời mình. “Bà yêu quý cây nhị lắm. Nó bầu bạn với bà suốt nửa thế kỷ. Bà luôn bảo, nó có linh hồn,” ca nương trẻ nói. Đó là cây nhị mà ông trùm Mậu đặt làm, những mong để con cái sau này kế nghiệp. Thế nhưng, cây nhị vừa được làm xong thì ông qua đời. Cây nhị trở thành vật dụng duy nhất để mẹ con bà Cầu kiếm kế sinh nhai. Tiếc rằng, con cái bà cũng không có ai nối nghiệp cha mẹ. Trong ký ức người học trò, mỗi lần cụ kéo nhị và hát, những âm thanh da diết phát ra nghe buồn, ám ảnh và day dứt như chính những câu chuyện về cuộc đời nhiều nỗi chuân truyên của cụ. “Khi tôi kể về những kỷ niệm trong các chuyến đi diễn ở các vùng Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An,… nhìn cụ “tươi” lắm. Mắt cụ sáng lên, miệng bỏm bẻm nhai trầu và tôi nhận thấy rõ niềm vui của cụ khi biết ngày nay, người ta vẫn nghe xẩm,” ca nương chia sẻ. Xẩm có cái chất dân dã, phóng khoáng mà không phải nghệ sĩ nào cũng có thể thể hiện được. Không chỉ có vậy, hát lại phải kèm với nhị, bầu, trống phách… mới ra chất. Cụ Cầu có biệt tài cùng lúc miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ một lúc hai trống mảnh. Bởi vậy, lúc sinh thời, cụ được coi là “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật hát xẩm. Lễ khâm liệm sẽ diễn ra sáng ngày mai, 4/3 và lễ an táng cụ Hà Thị Cầu tiến hành lúc 9 giờ 30 sáng ngày 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình./.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của cụ, theo cách ở vùng Yên Mô, Ninh Bình) sinh năm 1917, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình ba đời hát xẩm.
Ngày 25/12/2004, cụ Hà Thị Cầu đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Sau đó, cụ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.
Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
|
Phương Mai (Vietnam+)