Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến
Moskva bên chiều vắng thanh bình...
Khi về tới Việt Nam "Chiều Mátxcơva" đã trở thành bài hát Nga “đi cùng năm tháng” cùng với những tình khúc nổi tiếng khác như "Kachiusa, "Triệu bông hồng," "Kalinka,".... "Chiều Mátxcơva" đã gắn bó với tên tuổi các ca sĩ như: Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy...
Tác giả Đỗ Trọng Nga cho biết đã nửa thế kỷ qua, tên người dịch bản tiếng Việt của "Chiều Mátxcơva" là một bí ẩn và bản dịch, dù được rất nhiều người thuộc lòng, cho đến nay vẫn bị coi là “khuyết danh.”
Đáng tiếc là, ngay cả Từ điển mở Wikipedia tiếng Việt, trong phần giới thiệu về tình khúc "Chiều Mátxcơva" cũng mở ngoặc phần Lời Việt là “Người dịch khuyết danh;” còn phần lời Việt tình khúc "Đôi bờ" thì để trống phần dẫn nguồn.
Từng có nhiều ý kiến cho rằng ca sĩ, nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên là tác giả phần lời tiếng Việt, song chính ông phủ nhận. Dịch giả Dương Tường thì đoán đó có thể là Ngô Vĩnh Viễn (1924-1994) - người có mặt tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Mátxcova năm 1957.
Ông Viễn, bút danh Nguyễn Vĩnh, từng dịch một số tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới sang tiếng Việt, như "Chuông nguyện hồn ai," "Truyện ngắn O.Henry."
Tuy nhiên, ông Viễn đã mất nên cũng không có cách nào kiểm định lại phỏng đoán của dịch giả Dương Tường. Thêm nữa, cho dù ông có mặt tại Festival nhưng điều đó không chứng tỏ ông là tác giả của bản dịch hoàn hảo nhất. "Chiều Mátxcơva" có nhiều bản tiếng Việt khác nhau, không chỉ của các nhạc sỹ mà còn của các lưu học sinh hay những người từng công tác bên Nga.
Tác giả lời Việt vừa qua đời
Giờ đây, không chỉ "Chiều Mátxcơva" mà "Đôi bờ" đều đã trở thành những bản tình ca Nga ngọt ngào luôn chinh phục, ngự trị tâm hồn những người Việt Nam đã từng đến Nga và cả những ai yêu nhạc nhưng chưa bao giờ đặt chân lên mảnh đất đầy tuyết trắng ấy. Nhiều người đã thuộc lòng lời Việt:
Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi
Vời vợi xa thoáng đưa lời đây bài ca đầm ấm
Moskva chứa chan vui trong chiều vắng yêu đời...
***
Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời
Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,
một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...
Nhưng còn rất ít người yêu nhạc Việt Nam biết điều này: người đầu tiên dịch "Chiều Mátxcơva" ra tiếng Việt là ông Vương Thịnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế-Bộ Văn hóa (trước đây).
Sinh năm 1934, quê tại Bắc Giang, ông Vương Thịnh từng là một cựu chiến binh của Đại đoàn 308 từ năm 1949. Từ năm 1951-1954, ông là học viên thiếu sinh quân tại Trung Quốc. Ông cũng là một trong hàng trăm học viên Việt Nam được học lớp Nga ngữ đầu tiên ở Mátxcơva những năm đó.
Từ năm 1957-1960 và 1969-1971, ông Vương Thịnh được Nhà nước cử sang Liên Xô, công tác tại Ban Tiếng Việt của Đài Phát thanh Mátxcơva, làm Biên tập và Phát thanh viên tiếng Việt cho đài này.
Do có năng khiếu thơ ca - ông Vương Thịnh đã cho xuất bản tập thơ "Một thoáng trong đời" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1997 - và yêu thích âm nhạc từ nhỏ, nên khi được cử sang Liên Xô cũ công tác, ông Vương Thịnh đã tự dịch ca khúc "Chiều Mátxcơva" đang nổi tiếng hồi đó ra tiếng Việt. Sau đó, ông còn cộng tác với Cao Thụy - sau là đạo diễn điện ảnh - dịch tiếp ca khúc "Đôi bờ."
Đại tá Vương Hồng Trường và những người anh em ông Vương Thịnh cho biết đầu thập kỷ 60, sau khi từ Liên Xô trở về nước, cùng gia đình sống ở Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, tại số 5, phố Trần Phú, Hà Nội, hai ca khúc trên đã được ông Vương Thịnh cho in thành tờ gấp khổ nhỏ, phát hành hàng ngàn bản ở miền Bắc.
"Chiều Mátxcơva" và "Đôi bờ" đã nhanh chóng được người yêu âm nhạc Việt Nam đón nhận.Sau ngày nghỉ hưu, ông Vương Thịnh cùng vợ là bà Trương Thị Ký - nguyên là cán bộ kỹ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam, về sống những năm cuối đời ở số 49 phố Nguyên Hồng, Hà Nội./.