Vĩnh biệt Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh, người nghệ sỹ tài hoa

Hôm nay (6/3), gia đình, người thân, đồng nghiệp là các nghệ sỹ của nhiều thế hệ và đông đảo công chúng đã có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội để tiễn đưa NSND Trần Hạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho diễn viên Trần Hạnh. (Ảnh: TTXVN)

Hôm nay, ngày 6/3, gia đình, người thân, các đồng nghiệp là các nghệ sỹ của nhiều thế hệ cùng với đông đảo công chúng đã có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội để tiễn đưa Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh trong chặng cuối cuộc đời.

Ai nấy đều tiếc thương ông, một nghệ sỹ tài hoa, hiền lành và khiêm nhường, luôn sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà.

Trọn đời cống hiến cho nghệ thuật

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội. Cha ông làm việc tại nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Nhà thờ nhưng qua đời từ sớm. Mẹ ông là một thương gia nhỏ. Mồ côi cha từ năm 8 tuổi, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh phải sống tự lập rất sớm.

Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ này có nhiều người, sau đó đã trở thành những tên tuổi lớn trong làng kịch Việt Nam như Nghệ sỹ Nhân dân Doãn Hoàng Giang, Nghệ sỹ Nhân dân Trọng Khôi, Nghệ sỹ Nhân dân Đoàn Dũng…

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh được khán giả biết đến các vai diễn ấn tượng ở cả lĩnh vực sân khấu và truyền hình. Với sân khấu, ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải Vàng, Bạc ở các Liên hoan Sân khấu toàn quốc. Trong đó có thể kể đến vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa,” Huy chương Vàng Liên hoan Kịch toàn quốc. Hay những vai diễn trong vở “Tiền tuyến gọi,” “Âm mưu và tình yêu” được dàn dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Ông về hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989.

Với phim điện ảnh, truyền hình, mặc dù là người Hà Nội gốc, nhưng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh được công chúng yêu mến qua những vai diễn gắn với hình ảnh người nông dân hiền lành, chất phác và có phần khắc khổ.

Đến nay, công chúng vẫn nhớ đến ông với vai Bí thư đảng ủy trong phim “Làng nổi,” vai bố An trong “Truyện cổ tích tuổi 17,” bố Lài trong “Tướng về hưu,” ông Khiển trong “Người cầu may,” ông Lâm trong “Chiếc bình tiền kiếp,” bố Mai trong “Hãy tha thứ cho em,” ông Cần trong “Cuốn sổ ghi đời,” ông Thống trong “Ngõ lỗ thủng,” bố Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng”…

[NSND Trần Hạnh - người nghệ sỹ khắc khổ của màn ảnh Việt qua đời]

Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11/1996, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim “Nước mắt đàn bà.” Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim “Ngõ lỗ thủng” của đạo diễn Quốc Trọng.

Nghệ sỹ Trần Hạnh là một trong những nghệ sỹ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú vào năm 1984. Tháng 5/2018, ông được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.

Tấm gương sáng về nhân cách và nghề nghiệp

Trong ký ức của bạn bè nghệ sỹ Trần Hạnh là người nghệ sỹ đích thực, yêu nghề, tự trọng và không màng danh lợi trong hơn 40 năm theo nghiệp diễn. Dù sống một cuộc sống vất vả nhưng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh luôn là tấm gương cho các thế hệ đi sau về tình yêu nghề cũng như luôn nỗ lực cho công việc của mình.

Sinh thời, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh từng tâm sự ông yêu nghề diễn vì được hóa thân vào nhiều dạng nhân vật khác nhau, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đây là điều mà không nghề nghiệp nào có được...

Nhớ đến Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh, là công chúng nhớ ngay đến hình ảnh một người đàn ông hiền lành với nét mặt khắc khổ, nhưng có đôi mắt sáng, trên môi luôn nở nụ cười đôn hậu, giọng nói vang, ấm áp để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh là một gương mặt nghệ sỹ điển hình. Nhắc đến ông, người xem nhớ ngay đến một khuôn mặt chân chất, khắc khổ, tạo ra được một “thương hiệu” riêng. Chính sự khắc khổ ấy lại rất gần gũi và chân thật, cuốn hút người xem…

Giới trong nghề nhận xét, trong cuộc sống, nghệ sỹ Trần Hạnh luôn sống khiêm nhường, giản dị, không thích phô trương, và rất ngại phiền lụy đến người khác. Trong nghề nghiệp, ông thực sự là một nghệ sỹ chân chính, chỉ sống bằng những vai diễn trong kịch, phim và làm việc say sưa trọn vẹn với các vai diễn của mình.

Là người chịu khó, ông không nề hà bất cứ vai diễn nào, ông luôn vui vẻ nhận lời đóng phim là luôn sống hết mình với vai diễn, dù là vai chính hay vai phụ…

Chuyên đóng vai những con người khắc khổ, nhưng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh là trai phố cổ Hà Nội chính hiệu và ông cũng đã từng đảm nhiệm vai chàng trai Hà Nội đúng “chất,” được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khen ngợi. Trong cuốn “Người Hà Nội,” nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã từng nhận xét, trong bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội.

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ các đạo diễn, nhà viết kịch, mà hầu hết các diễn viên đã từng có dịp đóng phim cùng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh đều yêu quý và bày tỏ sự khâm phục với người nghệ sỹ chân chính, khiêm nhường, giản dị và giàu lòng nhân ái.

Khi hay tin Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh qua đời, Nghệ sỹ Ưu tú Chiều Xuân, người từng có duyên đóng phim “Người yêu đi lấy chồng” và một số vai diễn khác cùng nghệ sỹ Trần Hạnh đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của mình.

"Vẫn biết cõi đời là cõi tạm, bố Hạnh đã 92 tuổi rồi, nhưng nghe tin bố ra đi con không thể không nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi… Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị và thanh tao như con người bố Trần Hạnh vậy," Nghệ sỹ Ưu tú Chiều Xuân viết.

Nghệ sỹ Mai Thu Huyền, người đã từng vào vai con gái của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh trong bộ phim “Tiếng sáo ly hương” của cố đạo diễn Trần Phương năm 1998 và phim “Nhà có 3 chị em gái” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, bộ phim đã đoạt giải Cánh diều vàng năm 2007.

Theo nghệ sỹ Mai Thu Huyền, trong phim nghệ sỹ Trần Hạnh vào vai ông bố khó tính, nghiêm nghị nhưng ngoài đời ông lại rất hiền lành giản dị, luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo các diễn viên trẻ.

Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, người từng có cơ hội đóng nhiều phim truyền hình như “Ngõ lỗ thủng,” “Cuốn sổ ghi đời”… cùng các vở sân khấu truyền hình những năm 1990 với nghệ sỹ Trần Hạnh. Trung Hiếu cho biết anh vô cùng kính trọng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh trong nghề nghiệp cũng như trong cách sống của ông.

Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả bộ phim điện ảnh “Cha cõng con” có Nghệ sỹ Trần Hạnh tham gia đóng vai ông già mù bày tỏ nỗi buồn trước sự ra đi của diễn viên gạo cội. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, dù là một diễn viên nổi tiếng nhưng Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh rất giản dị, yêu nghề, luôn nỗ lực để thể hiện vai diễn tốt nhất, có hồn nhất.

Nghệ sỹ Vân Dung bày tỏ niềm tiếc thương khi chia tay nghệ sỹ Trần Hạnh. Theo nghệ sỹ Vân Dung, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh là người sống rất khiêm nhường, giản dị, không thích phô trương và rất ngại phiền lụy đến người khác.

“Bố thực sự là một nghệ sỹ chân chính, chỉ sống bằng những vai diễn trong kịch, phim và làm việc một cách say sưa trọn vẹn với vai diễn của mình. Con thương bố nhiều lắm…,” nghệ sỹ Vân Dung chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Hạnh đã đi xa, nhưng hình ảnh và những cống hiến của ông cho nghệ thuật nước nhà sẽ sống mãi trong lòng công chúng và những người yêu nghệ thuật.

Vĩnh biệt Ông! Người nghệ sỹ tài hoa, một tên tuổi lớn của làng nghệ thuật Việt!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục