Vĩnh biệt đồng chí Hữu Thọ - một nhà báo tài năng, sắc sảo

Sự ra đi đột ngột của nhà báo Hữu Thọ để lại niềm tiếc thương sâu sắc, sự xúc động khôn nguôi, đặc biệt đối với đội ngũ những người là công tác tuyên giáo, báo chí, đông đảo công chúng và gia đình.
Vĩnh biệt đồng chí Hữu Thọ - một nhà báo tài năng, sắc sảo ảnh 1Đoàn Ban Bí thư Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu viếng nhà báo Nguyễn Hữu Thọ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 14/8, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Báo Nhân dân cùng đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã tổ chức lễ tang, tiễn đưa nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đoàn của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu; Đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu; Đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu, đã đến viếng nhà báo Hữu Thọ.

Đoàn của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban dẫn đầu; Đoàn Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu; Đoàn Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam cho ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập dẫn đầu, vào viếng nhà báo Hữu Thọ.

Nnguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đến viếng nhà báo Hữu Thọ.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng.

Sự ra đi đột ngột của nhà báo Hữu Thọ để lại niềm tiếc thương sâu sắc, sự xúc động khôn nguôi, đặc biệt đối với đội ngũ những người là công tác tuyên giáo, báo chí, đông đảo công chúng và người thân, gia đình.

Ghi sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động viết: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Hữu Thọ, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa 7, 8; Đại biểu Quốc hội các khóa 9, 10; nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư - người đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc Việt Nam; đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, báo chí; một trong những cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam."

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Hữu Thọ, một nhà báo lớn, giàu nhiệt huyết, trung thực, trách nhiệm, sắc sảo, luôn nặng lòng với dân với nước. Vĩnh biệt một con người, một nhân cách mà chúng tôi kính trọng.”

“Vô cùng thương tiếc nhà báo Hữu Thọ - người chiến sỹ cộng sản kiên cường luôn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, công bằng, công lý”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xúc động ghi sổ tang.

Bày tỏ tình cảm của những người làm công tác tuyên giáo, ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương xúc động viết: Lãnh đạo Ban, Đảng ủy và tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên Ban Tuyên giáo Trung ương vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, người đảng viên trung kiên, tận tụy của Đảng; nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; nhà báo lớn, sắc sảo và tâm huyết với nghề làm báo; người thủ trưởng gương mẫu, nghiêm khắc nhưng rất đỗi gần gũi, bao dung.

Trong buổi sáng, 250 đoàn đại biểu của các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và địa phương đã có mặt tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bày tỏ niềm thương tiếc và tình cảm sâu sắc, tiễn đưa nhà báo Hữu Thọ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đọc điếu văn tại Lễ truy điệu, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Lễ tang xúc động ôn lại cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của ông Hữu Thọ.

Ông Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932, tại Hà Nội, trong một gia đình công nhân. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của ông Hữu Thọ thật phong phú, sôi động, nhiều sáng tạo và cống hiến, nhất là những năm tháng ông công tác tại Báo Nhân dân và Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương. Là một nhà báo, ông đã kinh qua các vị trí công tác phóng viên, biên tập viên, Phó ban Nông thôn, Phó ban Sinh hoạt Đảng, Phó ban Kinh tế, Trưởng ban Nông nghiệp, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Báo Đảng.

Trong cuộc đời làm báo, nhà báo Hữu Thọ luôn bám sát thực tiễn đất nước, sát cánh cùng quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh trong những năm tháng làm phóng viên thường trú ở tuyến lửa Khu 4 chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; bám sát thực tiễn nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân, cùng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Nhân dân tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Báo Nhân dân cùng nhiều cơ quan báo chí khác đã hăng hái, nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiến tiên tiến, dự báo, đề xuất cơ chế, chính sách mới; đấu tranh với những nhận thức, quan điểm bảo thủ, góp phần tham mưu để Đảng đề ra chủ trương "khoán 100," "khoán 10" trong nông nghiệp, góp phần hình thành và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng.

Trong những đóng góp quan trọng của báo chí nói chung và của báo Đảng nói riêng, có sự tham gia kiên trì và tích cực của nhà báo Hữu Thọ. Ông viết nhiều bài báo, nhiều thể loại báo chí nhưng thành công nhất, ấn tượng nhất là những bài phóng sự-điều tra và những tiểu phẩm. Những bài báo này có tính phát hiện vấn đề, lập luận sắc sảo, được minh chứng bằng những số liệu, thông tin, những nhân vật-nhân chứng được ông điều tra, tìm hiểu kỹ càng, gặp gỡ, trò chuyện, bàn luận sôi nổi trong những chuyến đi thực tế dài ngày.

Những tiểu phẩm sau này được tập hợp trong những tập sách ''Người hay cãi,'' ''Chuyện đời,'' vừa mang tính phản biện sâu sắc, vừa quyết liệt phê phán những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Là nhà báo lâu năm, say nghề, tâm huyết gắn bó với nghề, đồng thời là Chủ nhiệm Khoa kiêm nhiệm Khoa Báo chí, Học viên Báo chí Tuyên truyền, ông như một người anh, người thầy của rất nhiều nhà báo thế hệ hôm nay. ''Mắt sáng, lòng trong, bút sắc,'' sự chiêm nghiệm đó của ông về nghề làm báo thật thấm thía biết bao.

Trên cương vị là Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, ông Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp quan trọng cho công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng, bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, Trưởng ban Hữu Thọ luôn đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng. Nhiều ý kiến chỉ đạo sắc sảo, hừng hực ngọn lửa nhiệt tình của ông còn đọng mãi trong tâm trí những người làm công tác tuyên giáo.

Với 83 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, nhà báo Hữu Thọ đã có nhiều công lao đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, của ngành tuyên giáo, của báo chí nước nhà. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương, Huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Ông Hữu Thọ mất đi, Đảng Cộng sản Việt Nam mất đi một đảng viên tận tụy trung thành, một cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, một nhà báo tài năng, sắc sảo; chúng ta mất đi một người đồng chí, một người anh thân thiết, luôn khát khao tìm tòi cái mới, ham tranh luận, nhưng cũng rất khiêm nhường, gần gũi; gia đình mất đi một người chồng mẫu mực, một người cha, người ông nghiêm khắc nhưng rất đỗi nhân từ.

Vĩnh biệt nhà báo Hữu Thọ, một nhà báo tài năng sắc sảo, một người thầy vô cùng kính mến đã tận tụy truyền lửa nghề cho nhiều thế hệ nhà báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục