Vinatex ưu tiên áp dụng công nghệ mới trong chiến lược phát triển

Theo lãnh đạo Tập đoàn dệt may Việt Nam, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn quá trình sản xuất đang là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Vinatex.
Các doanh nghiệp đang tham quan Triển lãm quốc tế thiết bị dệt may-nguyên phụ liệu tại Hà Nội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm vào GDP nhưng so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực thì năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, do vậy việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ công nghệ mới nhằm rút ngắn quá trình sản xuất đang là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt may.

Đây là thông tin do ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế thiết bị dệt may-nguyên phụ liệu-hóa chất nhuộm (Hainoitex) do Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam (VCCI Expo) phối hợp tổ chức, sáng 15/10, tại Hà Nội.

Theo ông Dũng, việc chuyển mình từ hình thức chỉ làm gia công như trước đây sang sản xuất ODM (tự thiết kế, sản xuất) nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho ngành dệt may đòi hỏi phải làm chủ được công nghệ và nguyên phụ liệu.

Lãnh đạo Vinatex cho biết, nhu cầu đầu tư cho việc sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam là rất lớn, đặc biệt sau khi tiến hành đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng Chín vừa qua thì nhu cầu đầu tư của Tập đoàn càng tăng mạnh.

"Hiện Chính Phủ đang xây dựng Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa," ông Dũng cho hay.

Phát biểu tại Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới trong thời gian qua nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.

Ước tính cả năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may có thể tăng 19% so với năm 2013. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp Dệt may Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, với số lượng lao động trong ngành rất lớn và việc cạnh tranh còn diễn ra gay gắt, việc thay đổi về cơ cấu và chất lượng sản phẩm thông qua hình thức đổi mới công nghệ cần được tính đến nhằm giúp ngành dệt may phát triển bền vững.

"Nhiều hiệp định thương mại sắp được ký kết sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, do vậy ngành dệt may cần nhiều điều chỉnh về công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động," Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo báo cáo của Vinatex, 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu nguyên phụ liệu là 11 tỷ USD. Như vậy, sau 9 tháng dệt may đã xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa sẽ nâng lên mức 70% thay vì hơn 60% như hiện nay./.

Triển lãm quốc tế về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may 2014 diễn ra từ ngày 15-17/10 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Triển lãm đã thu hút 101 doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Australia, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam với các gian trưng bày nhiều máy móc, phụ kiện công nghệ cao trong lĩnh vực dệt may, nhuộm...

Triển lãm này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất mới nhất để định hướng đầu tư công nghệ mới; từ đó, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu của khách mua hàng nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục