Vinatex: Thị phần dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết vượt qua Bangladesh, năm 2021, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Lãnh đạo Vinatex thông tin với báo chỉ về kết quả sản xuất-kinh doanh năm 2021. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Mặc dù chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19, song xuất khẩu của dệt may Việt Nam vẫn đạt kết quả ấn tượng trong năm 2021.

Thông tin với báo chí về tình hình sản xuất-kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức chiều 23/12, tại Hà Nội, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị kiêm Người phát ngôn tập đoàn này cho biết thị phần dệt may Việt Nam năm nay đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới.

Theo đó, Trung Quốc chiếm thị phần 38%, tiếp đến là Việt Nam với 5,1% và đứng thứ 3 là Bangladesh, với 5%.

“Mặc dù xuất khẩu giảm, song Việt Nam vẫn vươn lên vị trí thứ 2 vì các đối thủ cạnh tranh có kim ngạch giảm sâu hơn nhiều,” ông Vương Đức Anh nói.

Đáng chú ý, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

[Lợi nhuận trước thuế 9 tháng vượt 35% kế hoạch năm 2021]

Riêng Vinatex, doanh thu và thu nhập hợp nhất năm nay cũng tăng cao kỷ lục, ước đạt 16.436 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ và tăng 70% so với thời điểm trước đại dịch.

Người phát ngôn Vinatex cũng đưa ra định hướng thời gian tới, trong đó tập đoàn cùng các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may hướng tới trở thành “một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang.”

Cùng với đó, cạnh tranh giá sẽ là chiến lược, nhưng hướng tới những thị trường ngách như sản xuất sản phẩm phục vụ lực lượng quân đội, phòng cháy chữa cháy, sản xuất các sản phẩm xanh phù hợp xu hướng.

“Mục tiêu giai đoạn 2022-2025 là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín,” đại diện Vinatex thông tin thêm.

Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh trong năm nay, các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở sẽ tiêp tục tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho người lao động.

Cụ thể là người lao động sẽ nhận được mức thưởng là tháng lương thứ 13 kết hợp với thưởng Tết. Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức đón Tết cho người lao động không về quê…, với tổng số tiền dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục